Dúi hay còn gọi là chuột nứa, được xếp vào loại thức ăn đặc sản |
Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Con dúi dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm ngủ ngày nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn dễ tìm như cây, cỏ và rau, củ các loại.
Dúi là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ. Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía.
Đặc tính của con dúi là sống trong bóng tối, không để ánh mặt trời lọt vào. Dúi nuôi càng lâu thì thịt sẽ săn chắc và thơm ngon. Dúi có trọng lượng từ 3-5g là có thể bắt đầu nuôi giống, nuôi trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng từ 1-1,5 kg. Dúi thương phẩm nuôi khoảng 6-8 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng 2–3 kg/con.
Loài dúi sinh sản nhanh, chỉ 3-4 tháng, dúi sinh 1 lần. Mỗi dúi mẹ đẻ từ 4 đến năm con. Dúi con được 45 ngày thì tách mẹ, 75 ngày có thể bán giống. Khi dúi sinh đẻ thì không được để người lạ đến gần vì dúi có một đặc tính sau khi đẻ, trong vòng một tuần trở lại mà có người ra vào, gặp hơi lạ là dúi mẹ quay ra cắn con cho đến chết. Cần phải kiểm soát việc sinh sản, không nên cho Dúi sinh sản quá nhiều (cho dúi đẻ 3 lứa/năm là vừa). Nên khống chế trọng lượng Dúi mẹ ở mức dưới 2 kg.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi dúi, anh Phạm Văn Bào (An Giang) và anh Lê Hữu Như Ý (Quảng Bình) đã đầu tư mô hình nuôi, có thu nhập ổn định.
Nghề nuôi dúi đã thay đổi cuộc sống và thu nhập cho gia đình anh Lê Hữu Như Ý |
Quê gốc ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp THPT rồi lên TP Đà Nẵng làm nghề dịch vụ du lịch, tại đây, anh Lê Hữu Như Ý quen và kết hôn với một cô gái người Quảng Bình. Cuộc sống hôn nhân chưa kịp ổn định, hai vợ chồng đều thất nghiệp do đại dịch Covid - 19. Năm 2020, vợ chồng anh bàn với nhau về quê vợ sinh sống.
Trong một lần tình cờ lên mạng Internet, anh biết đến mô hình nuôi dúi. Nhận thấy dúi dễ nuôi lại có cơ hội để phát triển kinh tế nên anh quyết định mua về nuôi thử.
Nghĩ là làm, ban đầu anh mua con giống của người dân trên địa bàn săn bắt được, với dự định nuôi giống dúi tự nhiên thuần chủng. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy dúi tự nhiên vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt, chậm lớn và hao hụt dần.
Bước đầu thất bại nhưng anh Ý vẫn quyết tâm mày mò, tìm hiểu để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó, anh biết thức ăn cho dúi như: tre, nứa, mía không được quá non hoặc quá già. Đặc biệt loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao.
Khi đã đủ tự tin, anh Ý quyết định ra Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi. Thời điểm đó, nhiều người đã can ngăn anh và không tin con vật nhỏ bé này có thể tạo ra thu nhập.
Bỏ ngoài tai những lời điều tiếng, suốt gần một năm "ăn dúi, ngủ dúi", anh đã dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng. Cứ như vậy, anh vừa nuôi, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, đàn dúi của anh cứ thế lớn nhanh và xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại, trang trại dúi của Lê Hữu Như Ý đang nuôi 2 loại dúi, dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác. Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, gần 3 năm nay, Lê Hữu Như Ý đã nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản để bán dúi giống.
Theo Ý, trung bình mỗi năm, dúi sẽ sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Các loại dúi thịt và dúi giống của Ý hiện được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa ThiênHuế và một số tỉnh thành phía Nam. Mỗi năm, trại nuôi dúi của Ý thu lãi được trên 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi nhím của gia đình ông Lê Trọng Lệ |
Nhờ nuôi dúi mà ông Lê Trọng Lệ ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) có thu tiền tỷ mỗi năm.
Vốn yêu thích việc chăn nuôi từ nhỏ, nên ông nghĩ ra ý tưởng làm kinh tế trang trại. Qua tìm hiểu, ông Lệ biết, dúi là loài vật nuôi khó tính, nhưng nếu biết cách, con vật này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, ông quyết định làm trang trại nuôi dúi.
“Thời điểm này, người nuôi dúi ở Việt Nam còn ít, tôi phải đi sang tận Lào để tìm mua giống. Lúc bấy giờ, tôi chỉ dám mua 100 con giống về nuôi thử nghiệm trong chuồng trại hơn 100m2”, ông Lệ chia sẻ.
Thời gian đầu, dúi nuôi phát triển tốt và lớn nhanh, ông mạnh dạn nhân đàn lên hàng trăm con. Tưởng chừng như đã thành công, năm 2010, bỗng nhiên đàn dúi của ông đổ bệnh, chết la liệt. Vụ đó khiến ông lỗ hơn 300 triệu đồng. Vợ ông xót của nên đã ngăn cản, không cho ông chăn nuôi nữa.
Không muốn làm người thất bại, ông Lệ tiếp tục khăn gói sang Lào học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian học hỏi, nắm rõ các kiến thức, kỹ thuật, ông tìm ra nguyên nhân khiến dúi của mình chết là do kỹ thuật chăn nuôi chưa chuẩn.
“Sau khi về quê, tôi lập tức cải tạo lại hệ thống chuồng trại, đồng thời chú trọng đến kỹ thuật chăn nuôi. Dúi là loại vật nuôi khó tính, nên mùa hè tôi phải bật quạt mát, mùa đông phải sưởi ấm cho chúng”, ông Lệ chia sẻ.
Với kỹ thuật nuôi trên, mô hình nuôi dúi của ông Lệ đã thành công. Hiện ông có 4 cơ sở nuôi dúi ở các tỉnh Thanh Hóa, TP.HCM, Đắk Lắk, Thái Nguyên, mỗi năm đem về thu nhập tiền tỷ.
“Trong số 4 trại nuôi dúi, tôi giao cho 3 người con trai quản lý 3 trại, còn vợ chồng tôi sở hữu một trang trại rộng gần 500m2 ở quê. Tôi nuôi khoảng 2.000 con (cả dúi giống và dúi thịt), đem về thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”, ông Lệ cho biết.
Theo ông Lệ, dúi giống và dúi thịt hiện rất được ưa chuộng, giá thành cũng khá cao. Dúi thịt ông bán ra thị trường giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Còn giá dúi giống bán theo độ tuổi, thông thường dúi 3 tháng tuổi có giá 3 triệu đồng/cặp, 6 tháng có giá 6 triệu đồng/cặp.