Mô hình nuôi dúi của anh em Hồ Chí Hiếu mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó, anh Hồ Chí Hiếu ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) đã thành công với mô hình nuôi dúi.
Anh Hiếu kể, tình cờ trong lần đi công tác tại Lâm Ðồng, được tham quan và giới thiệu mô hình nuôi dúi rất mới lạ và hiệu quả, mà nguồn cung trên thị trường rất hiếm; thấy có triển vọng tại quê nhà, Hiếu đem về nuôi thử nghiệm một cặp. Thấy dúi dần thích nghi và lớn nhanh, Hiếu rủ anh họ là Bùi Văn Chắc có chung đam mê và niềm tin để bắt tay thực hiện mô hình này.
Hai anh em thuê xe tới trại trên Lâm Ðồng để bắt dúi về, mới đảm bảo đúng con giống chất lượng và ổn định trong quá trình vận chuyển về Cà Mau. Lần này tôi bắt thêm 5 cặp. Sau một thời gian nuôi bị hao hụt một cặp do sốc nhiệt thời tiết vào tháng 5-6 âm lịch vừa nóng bức, vừa mưa nhiều, độ ẩm cao. Từ đó tôi dần rút kinh nghiệm và thiết kế chuồng trại thích hợp hơn cho dúi, luôn đảm bảo ổn định về ánh sáng vừa đủ, nhiệt độ mát mẻ, thông thoáng nên đến nay dúi luôn khoẻ mạnh và sinh sản, phát triển tốt”.
Nuôi dúi có ưu điểm là công sức và thời gian chăm sóc không nhiều, không cần cung cấp nước uống cho chúng. Dúi sống sạch sẽ, lượng chất thải ít, nguồn thức ăn lại dễ kiếm, chi phí rẻ, chủ yếu là tre, mía, bắp, khoai là đủ cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước cần thiết cho dúi phát triển.
Trong quá trình nuôi cần phải đảm bảo nhiệt độ môi trường sống trong chuồng nuôi dúi luôn mát mẻ, từ 25-28oC. Dù dúi nuôi ít bệnh, không ô nhiễm môi trường nhưng vẫn cần đảm bảo những yếu tố môi trường sống và thời tiết ổn định, phù hợp với tập tính phát triển của dúi, hạn chế ánh sáng, nắng nóng, gió, tiếng ồn, giữ vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ thì dúi mới phát triển nhanh và khoẻ mạnh.
Hiếu chia sẻ: “Trung bình 1 con dúi đực có thể ghép với 2-4 con dúi cái. Lưu ý khi chọn ghép đôi dúi giống để nuôi sinh sản, cần chọn con đực và con cái không cùng huyết thống thì chất lượng và số lượng con giống cao hơn. Ðối với dúi cái, cần chọn những con đủ 8 vú, sẽ đẻ nhiều con và có nhiều sữa để cho dúi con bú, chăm sóc con tốt hơn. Từ đó, việc phối dúi sinh sản sẽ hiệu quả tốt và nhân đàn nhanh hơn”.
Hiện tại có 2 dòng dúi là dúi mốc (Việt Nam) và dúi má đào (Thái và Lào). Dúi má đào có trọng lượng lớn hơn, từ 1,5-2 kg so với dúi mốc. Sau thời gian nuôi từ 7-8 tháng tuổi là có thể cho giao phối sinh sản. Thời gian kể từ khi cho giao phối đến khi sinh sản khoảng 45 ngày. Mỗi con dúi cái đẻ từ 3-4 lứa/năm, số lượng từ 1-5 con/lứa. Sau 2-2,5 tháng bú sữa mẹ và được bổ sung thức ăn, dúi đạt trọng lượng từ 450-500 gram/con là có thể xuất đàn, giá bán dúi giống từ 1,8-2 triệu đồng/cặp. Dúi trưởng thành sau thời gian nuôi từ 8-12 tháng có trọng lượng từ 1,5-2 kg, trên thị trường có giá từ 600-800 ngàn đồng/kg.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi nên anh em Hiếu có kinh nghiệm trong quá trình thuần nuôi dúi từ động vật sống tự nhiên có tập tính hoang dã sang phù hợp với điều kiện tại Cà Mau. Dúi là động vật rừng thông thường, nhưng cần tuân thủ quy trình, quy định về điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, có giấy phép chăn nuôi, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và có hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo quy định của pháp luật.
Sau hơn 3 năm gắn bó, từ 10 con dúi ban đầu, đến nay chuồng nuôi của anh em Hiếu đã có hơn 40 con dúi bố mẹ, cho sinh sản và xuất bán dúi giống hơn 150 con, mỗi năm có thể thu về hơn 120 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra rất ít, chỉ khoảng vài triệu đồng. Có thể nói, nuôi dúi là nghề phụ tay trái của hai anh em Hiếu, nhưng đem về nguồn thu nhập khá.
Nhờ nuôi dúi thành công, mỗi tháng anh Phong thu lãi hơn 15 triệu đồng |
Cũng chọn dúi để khởi nghiệp, anh Trần Hữu Phong (28 tuổi, ngụ ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, H.Chợ Gạo, Tiền Giang ) thu lãi trên 15 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Phong kể, từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê chăn nuôi. Năm 2016, khi đang còn làm việc công sở, anh dành 12 triệu đồng mua 6 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm.
Một thời gian sau, nhận thấy nuôi dúi có hiệu quả kinh tế cao, anh Phong quyết định nghỉ việc công sở với mức thu nhập ổn định, tập trung khởi nghiệp từ con dúi. Đến nay, với trại nuôi có diện tích 150 m2, anh nhân đàn thành công, duy trì số lượng hơn 100 cặp dúi mốc và dúi má đào. “Dúi mốc bán chạy hơn nhưng dúi má đào có trọng lượng lớn hơn và sinh sản nhiều hơn. Vì vậy, loại nào cũng được thị trường ưa chuộng”, anh Phong cho biết.
Theo anh Phong, nuôi dúi không tốn nhiều chi phí đầu tư và ít tốn công chăm sóc. "Làm chuồng trại rất đơn giản, tôi chỉ cần ghép những viên gạch với nhau tạo thành từng ô vuông, vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo độ thoáng mát", anh Phong nói.
Chuồng nuôi được anh Phong chia ra khoảng 100 ô gạch. Đối với dúi trưởng thành, anh cho chúng ở riêng từng ô, còn dúi con có thể ở tập thể. Theo anh Phong, chuồng cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào và gió lùa. Phía trên chuồng, anh lợp tôn, giăng lưới che để chống nhiệt; nền chuồng được lót xi măng để thuận tiện vệ sinh và tránh dúi đào hang trốn đi.
“Dúi có tập tính ngủ ngày, ăn đêm. Vì vậy, tôi phải hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp, cũng như gió lùa ban đêm vào chuồng để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của dúi”, anh Phong chia sẻ.
Theo anh Phong, việc chọn dúi ghép đôi sinh sản rất quan trọng. Nuôi dúi thành công hay không một phần phụ thuộc vào việc phối giống. "Dúi cái được cho vào ô nuôi dúi đực để theo dõi khoảng 30-60 phút. Nếu dúi đực không cắn xé thì việc ghép cặp thành công. Nếu không thì phải đổi sang con cái khác cho đến khi nào dúi đực chịu mới thôi. Mỗi năm dúi sinh sản 3 lần, mỗi lần từ 3-4 con. Dúi nuôi khoảng 8 tháng, có thể sinh sản và xuất bán thương phẩm", anh Phong cho hay.
Hiện tại, dúi giống 3 tháng tuổi có giá 1,2 triệu đồng/con, dúi 6 tháng tuổi giá 1,5 triệu đồng/con, dúi 8-9 tháng tuổi giá 1,8 triệu đồng/con. Ngoài ra, anh còn bán dúi thương phẩm với giá 650.000-700.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh Phong thu lãi trên 15 triệu đồng mỗi tháng.