Mô hình nuôi dông ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận |
Con dông cát theo cách gọi của từng địa phương còn có các tên gọi khác như con kỳ nhông cát hay con nhông. Thực tế, dông là một loại bò sát chủ yếu sinh sống tại vùng đất cát nên quen gọi là dông cát.
Ở Việt Nam, con dông thích nghi chủ yếu trên đất cát tự nhiên ven biển thuộc các tỉnh dọc vùng Duyên hải miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu.
Con dông cát thường sống tập trung ở các bãi đất hoang, các bụi cây, các khu vực trồng phi lao, trồng keo. Buổi sáng, loài bò sát này thường bò ra khỏi hang để sưởi ấm và điều hoà nhiệt độ cơ thể. Đây cũng là lúc chúng đi tìm thức ăn và chơi đùa với nhau. Chỉ đến xế chiều, con dông cát mới chui vào hang và đóng cửa bằng cách vùi cát vào cửa hang.
Bình Thuận là nổi tiếng là vùng đất của nắng, của gió với rất nhiều đồi cát mênh mông trải dài. Các đụn cát là điều kiện thích hợp để dông sinh trưởng và phát triển. Bởi loài vật này có khả năng nhịn uống nước lâu ngày và sinh sống tốt trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt.
Con dông Bình Thuận xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Đến nay, ngành nuôi dông ở Bình Thuận ngày một phát triển và mở rộng với quy mô lớn.
Nhìn vẻ bề ngoài, con dông cát có nhiều điểm giống con thằn lằn nhưng kích thước lớn hơn. Có thể dễ dàng phân biệt dông đực và dông cái qua màu da.
Trong khi dông đực có bộ da sắc màu sặc sỡ thì dông cái bộ da chỉ có duy nhất một màu. Để bắt được giống đặc sản quý của vùng đất Bình Thuận này người dân phải sử dụng nhiều cách như đào, chặn ngách, bẫy, giăng lưới, dò hay thổi…
2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng của huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) được xem là “thủ phủ” của con dông, bởi khí hậu, thổ nhưỡng nơi này rất thích hợp cho con dông cát sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, cách đây 4 năm, do sự phát triển nuôi con dông ồ ạt, thiếu định hướng lại chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên việc tiêu thụ dông gặp nhiều khó khăn. Bấy giờ, thương lái thu mua với giá dông rất thấp, chỉ từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, thậm chí không bán được. Tình trạng này đã khiến cho nhiều hộ nuôi dông bỏ chuồng, tìm hướng đi mới.
Trái với cảnh đìu hiu trước đây, hiện tại nghề nuôi dông ở 2 địa phương này đang bắt đầu nhộn nhịp trở lại, khi mà hàng ngày đều có các thương lái đến thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Luận, thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có khoảng 2 sào đất dùng để nuôi dông.
Thời điểm này, cứ trung bình một tuần, ông lại xuất bán một lứa dông thịt, khoảng từ 2 - 3 kg, có khi nhiều hơn. Ông Luận cho biết, mấy tháng trở lại đây thương lái đã đến từng hộ nuôi dông trên địa bàn xã để thu mua, không hạn chế số lượng với giá từ 600.000 – 700.000 đồng/kg, thế nhưng không phải lúc nào cũng có sản phẩm con dông để bán.
“Khi nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi dông vì giá cả thấp, không có đầu ra thì tôi vẫn cố gắng cầm cự. Mới cách đây 3 ngày tôi thu hoạch được 2 kg dông thịt, bán cho thương lái. Với giá bán hiện tại, mỗi tháng con dông đem lại thu nhập cho gia đình từ 8 -10 triệu đồng”, ông Luận phấn khởi nói.
Sống trong môi trường tự nhiên, con dông có sức đề kháng tốt, rất dễ nuôi. Ảnh: Việt Quốc |
Ông Lê Minh Tâm, 49 tuổi, ở thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) cho biết, hơn chục năm trước gia đình ông từng nuôi dông để tăng thu nhập. Năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, dông bắt đầu rớt giá, có thời điểm không ai mua do các nhà hàng ở phải Phan Thiết phải đóng cửa chống dịch. Ông cũng như nhiều hộ nuôi dông ở xã Thiện Nghiệp bỏ nghề. Họ chỉ nuôi cầm chừng một ít để giữ giống và làm thực phẩm cho gia đình.
Gần đây, nhiều quán ăn và nhà hàng ở Mũi Né - Phan Thiết đi tìm nguồn dông chế biến món ăn bán cho khách du lịch nhưng hàng khan hiếm do nhiều hộ đã bỏ nghề hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Nhận thấy thị trường tiêu thụ mạnh nhưng nguồn cung thiếu, ông Tâm và một số hộ khác quyết định nuôi dông trở lại. "Tôi đã thả hơn 600 con dông giống nuôi, hy vọng vài tháng tới, xuất chuồng lứa đầu, gia đình sẽ có thêm thu nhập", ông Tâm nói.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua dông thịt, thương lái Nguyễn Thị Mai, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) cho biết: Hiện nay, không chỉ có nhà hàng, khu resort, khách sạn ưa chuộng thịt dông, mà ngay cả các hộ dân cũng thường xuyên mua về để cải thiện món ăn trong gia đình.
Chính vì vậy, lượng hàng được đặt rất lớn, tuy nhiên, khả năng cung cấp hàng hiện giờ không phải lúc nào cũng có.