Đà Nẵng thí điểm chế biến và xuất khẩu cá nóc Một số loại cá nên thận trọng khi ăn để phòng nguy cơ ngộ độc Cảnh báo hậu quả của việc dùng những “bài thuốc truyền miệng” |
Ngộ độc cá nóc gây tử vong
Vào sáng 6/1, một vụ ngộ độc ăn cá nóc xảy ra tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do 5 ngư dân địa phương ăn phải cá nóc độc. Dù đã được đưa đi cấp cứu, một người trong số đó đã không qua khỏi.
Theo báo cáo địa phương, vào trưa ngày 5/1, tại nhà ông Đ.G (ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có ông Đ.G (sinh năm 1967), ông Đ.V.L (sinh năm 1994), ông N.V.B (sinh năm 1970, cùng trú tại thôn 3, xã Bình Thạnh) và ông H.A.T (sinh năm 1974, trú tại thị trấn Liên Hương), ông L.V.X (sinh năm 1966, trú tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cùng ăn cá nóc (loại cá nóc mít) do ông Đ.V.L đi biển đánh bắt được, cùng ông G chế biến thành món ăn.
Sau khi ăn xong, đến 15 giờ cùng ngày cả 5 người đều có triệu chứng bị tê đầu lưỡi, mặt tím tái nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Tuy Phong.
Các bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc đang điều trị tại BVĐK khu vực Bắc Bình Thuận ẢNH: Q.H |
Do bị ngộ độc nặng nên cả 5 nạn nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ông H.A.T. đã tử vong. Bốn người còn lại là ông G, ông L, ông B, ông X đã tỉnh, đang được theo dõi tại bệnh viện.
Cá nóc độc như thế nào?
Cá nóc thuộc bộ cá nóc có đến hơn 120 loài khác nhau trên toàn thế giới, tại Việt Nam có khoảng 66 loài và trong đó có 40 loài có khả năng gây độc tố. Cá nóc được đánh giá là loài có độc tố đứng thứ 2 chỉ sau loài ếch độc phi tiêu vàng.
Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố có trong cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).
Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi ăn.
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100°C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200°C trong 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
Biểu hiện của việc ngộ độc cá nóc sẽ thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10-45 phút sau khi tiêu thụ cá nóc chứa độc tố. Ban đầu, người bị ngộ độc sẽ có các triệu chứng phổ biến là tê miệng, lưỡi, môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn mửa.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó nói, tê yếu tay chân, mất phản xạ và hạ huyết áp nghiêm trọng.
Trong vòng 4-6 giờ, các triệu chứng có thể tiến triển nặng hơn và gây ra tình trạng tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.