Bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cây cúc tần Bài thuốc từ các loại hoa có trong vườn nhà Bài thuốc chữa bệnh viêm xoang từ cây xương cá |
Cẩn thận lấy cây lạ về ăn hoặc làm thuốc
Lá hoa thủy tiên và lá hẹ có hình dạng giống nhau dễ nhầm lẫn. |
Trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, ThS.BS nội trú Bùi Tiến Công, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, hai bệnh nhi 2 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng do ăn nhầm lá hoa thủy tiên.
Người nhà hai bệnh nhi cho biết, vì em bé bị ho, nên đã dùng lá hẹ để nấu cháo cho trẻ. Tuy nhiên, họ đã lấy nhầm lá hoa thủy tiên. Gia đình chỉ phát hiện nhầm lẫn sau khi hai trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn liên tục. Phát hiện trẻ ăn nhầm lá hoa thủy tiên, gia đình đã cho trẻ đi cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, các bệnh nhi đã được nhập viện theo dõi các chức năng sinh tồn đồng thời được tiến hành các biện pháp thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng việc rửa dạ dày kết hợp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc tố và nhuận tràng. Bệnh nhi cũng được bồi phụ nước, điện giải và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, tim. Ssau một ngày can thiệp tích cực, hai bệnh nhi ổn định, vừa được xuất viện.
BS.Công cho biết, hoa thủy tiên có hình loa kèn màu vàng, trắng, hồng có sáu cánh, trung tâm là nhụy hoa. Hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn. Tất cả các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ. Trong thành phần của cây chứa chất lycorine, gây ức chế enzym cholinesterase, gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm.
Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Bên cạnh đó, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần oxalat, nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi, lưỡi, họng.
Bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn hoa chuông. |
Cách đây gần 1 tháng, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hai người bị ngộ độc do ăn hoa chuông gồm: Lăng Văn Đ (ở xã Tràng Các) và Hứa Văn L (ở xã Đồng Giáp), cùng thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Hai người này là bạn bè, ăn cơm cùng gia đình tại nhà anh Đ, trong đó có món ăn được chế biến từ hoa chuông (tên khoa học là Scopolamine, loại cây thân thảo, khá phổ biến ở khu vực miền núi, có hoa trông giống như hoa loa kèn, màu trắng và vàng, thường được trồng làm cảnh). Sau khi ăn món ăn này, cả hai người nêu trên đã bị nôn nhiều, yếu tứ chi... Nhập viện kiểm tra, hai bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hoa chuông; bác sỹ đã cho thở máy và điều trị tích cực.
Chia sẻ trên Trang thông tin của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, BS.Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, cây hoa chuông (tên khoa học: Scopolamine) là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh.
Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc. Độc tính của cây hoa chuông do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa…
Do đó, khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây để tránh xảy ra tai nạn. Trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm, dấu hiệu ngộ độc, cần dùng biện pháp sơ cứu nôn tại chỗ, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất xử trí để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Củ ấu tẩu - thuốc và "kẻ giết người"!
Củ ấu tàu là rễ của cây ô đầu, đây là dược liệu có tính độc gồm aconitin và các alkaloid, chúng rất dễ bị hấp thụ khi nuốt phải. |
Theo Báo Đại biểu Nhân dân, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Trung tâm thường tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Mặc dù được khuyến cáo nhiều, song vẫn có nhiều người phải nhập viện, có người rất trạng mới tới viện. Củ ấu tàu thường được dùng trong Đông y, dùng làm rượu thuốc để xoa bóp, chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi xương khớp. Nhiều trường hợp, người dân đi du lịch, thăm quan,... được giới thiệu củ ấu tàu làm đặc sản, thuốc chữa bách bệnh, mang về nhà dùng, thậm chí nấu cháo ăn thì bị ngộ độc.
Mới đây nhất là nam bệnh nhân hơn 50 tuổi ở Nam Định vào nhập viện trong tình trạng tê bì chân tay, ngất, mất kiểm soát đại tiểu tiện sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. Theo lời kể của bệnh nhân, đây không phải lần đầu tiên ông sử dụng củ ấu tàu để tăng cường sức khoẻ, chữa bệnh xương khớp. Từ ngày còn trẻ, ông đã thường xuyên ăn và uống nước củ ấu tàu để tăng sức khoẻ và coi đây là bài thuốc truyền tai cho nhiều người.
Cũng trên Đại biểu Nhân dân, ThS.BS Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính rất mạnh, độc tính aconitin thuốc độc bảng A, chỉ với một hàm lượng nhỏ có thể gây tử vong, liều chỉ 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2 - 3mg đủ để gây tử vong một người trưởng thành. Aconitin gây độc trên tim, thần kinh và tiêu hóa. Ngộ độc aconitin xuất hiện rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút, hoặc vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tàu. Biểu hiện nguy hiểm nhất của ngộ độc aconitin là loạn nhịp tim, ngoại tâm thu thất, trường hợp nặng là ngoại tâm thu thất đa ổ, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất và tử vong. Loạn nhịp tim là nguyên nhân chính gây tử vong và nguy cơ tử vong luôn thường trực một khi ngộ độc đã xảy ra.
BS.Chiến chia sẻ: “Trung tâm đã từng có các bệnh nhân ngộ độc rất nặng, sau khi được cấp cứu, hồi sức rồi, nhưng tim vẫn bị loạn nhịp và ngừng đập nhiều lần, phải sốc điện chữa loạn nhịp ngừng tuần hoàn tới hàng chục lần, cuối cùng may mắn bệnh nhân mới qua khỏi". Ngoài ra, BS.Chiến khuyến cáo củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối chỉ dùng củ ấu tàu ở dạng bôi ngoài da, không nên uống hay ăn.