EVN Hà Nội thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện vào ngày cuối tháng EVNHANOI lên phương án cung cấp điện ổn định, liên tục trong năm 2025 |
![]() |
Từ 10/5, giá điện tăng 4,8%: Hàng triệu hộ dân chịu tác động trực tiếp. |
Chi phí sản xuất điện tăng mạnh, thủy điện giảm sâu
Chiều 9/5 tại Hà Nội, EVN công bố Quyết định số 599/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 4,8%, tương đương mức tăng hơn 100 đồng so với giá hiện hành, lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã có 4 lần điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với các mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8%.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết việc điều chỉnh giá điện được thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, bối cảnh năm nay có nhiều yếu tố khác biệt. Cụ thể, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, sản lượng điện thương phẩm dự kiến sẽ tăng 12,2% so với năm 2024, tương đương tăng 33,6 tỷ kWh – phần lớn được huy động từ các nguồn điện có chi phí cao.
Trong khi đó, tỷ trọng thủy điện – nguồn điện có giá thành thấp – đang giảm mạnh do đã khai thác đến giới hạn. Dự báo cả năm 2025, thủy điện giảm khoảng 7 tỷ kWh so với trước, buộc hệ thống phải tăng cường huy động các nguồn điện từ than, khí, dầu – đều là những nguồn có chi phí cao.
Theo tính toán của EVN, trong cơ cấu nguồn điện năm nay, thủy điện chỉ chiếm khoảng 25% tổng sản lượng hệ thống. 75% còn lại đến từ các nguồn nhiệt điện than, điện khí, dầu và năng lượng tái tạo – đều có giá thành cao hơn.
Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ (USD) tăng mạnh và diễn biến khó lường trong thời gian qua cũng khiến chi phí khâu phát điện – vốn chiếm tới 83% giá thành sản xuất điện – tăng cao. Cùng với đó, giá than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện cũng liên tục leo thang trong 4 tháng đầu năm.
Trước áp lực chi phí đầu vào, EVN và các đơn vị thành viên đang thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 10% trong năm 2025. Đồng thời, EVN phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia để vận hành tối ưu hệ thống điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.
Người dân sẽ trả thêm bao nhiêu khi giá điện tăng?
![]() |
Người dân luôn băn khoăn mỗi khi điện tăng giá. Ảnh minh họa |
Theo EVN, mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8% từ ngày 10/5 được đánh giá là phù hợp sau khi tính toán chi phí đầu vào, diễn biến thị trường và khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp. Việc tăng giá điện ở mức này được dự báo sẽ làm CPI tăng khoảng 0,09%.
Về tác động cụ thể, EVN ước tính tiền điện hàng tháng của các hộ dân sẽ tăng như sau:
Hộ sử dụng dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ): tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng
Hộ sử dụng từ 51–100 kWh (13,98%): tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng
Hộ sử dụng từ 101–200 kWh (32,79% – nhóm lớn nhất): tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng
Hộ sử dụng từ 201–300 kWh (19,33%): tăng khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng
Hộ sử dụng từ 301–400 kWh (9,89%): tăng khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng
Hộ sử dụng trên 400 kWh (13,45%): tăng khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng
Với diễn biến hiện nay, ngành điện tiếp tục đối mặt nhiều áp lực chi phí, trong khi nhu cầu điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng cao. Việc điều chỉnh giá điện là bước đi cần thiết để đảm bảo cân bằng tài chính ngành điện, song cần tiếp tục được theo dõi, tính toán kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
![]() |
![]() |