Bỏ thanh long trồng na Thái có trái khổng lồ, nông dân bỏ túi hàng trăm triệu Na dai trái vụ ở Đông Triều - Quảng Ninh đang hút khách Lục Nam (Bắc Giang): Na, nhãn bước vào vụ thu hoạch |
![]() |
Na trái vụ ở Lục Nam bước vào vụ thu hoạch giá tăng cao gấp đôi so với thời điểm chính vụ cách đây 4 tháng. |
Trồng na trái vụ kiếm bộn tiền
Hiện na trái vụ tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang cho thu hoạch rộ. Nhờ được chăm sóc tốt nên na vụ này quả to, chất lượng, giá bán đều tăng so với thời điểm chính vụ.
Ông Vũ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương cho biết, gần nửa tháng qua, mỗi ngày HTX thu mua khoảng 1 tấn na của bà con thôn Suối Ván (xã Nghĩa Phương) đưa đi TP Hà Nội tiêu thụ. Được biết, tại đây bà con thu hoạch đến đâu, thương lái tới thu mua hết đến đó.
Hiện giá na dao động từ 45-50 nghìn đồng/kg. Những ngày đầu vụ, giá na đạt 60 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm chính vụ hồi tháng 8/2022.
![]() |
Na trái vụ vẫn cho trái to, đẹp nên dù giá đắt thương lái vẫn xếp hàng chờ lấy hàng. |
Được biết, giá na tăng cao là do sản lượng na trái vụ lứa 1 không nhiều, trong khi nhu cầu thị trường tăng mạnh. Bên cạnh đó, na trái vụ của Lục Nam được chăm sóc tốt, quả ra từ thân nên to đều (bình quân 3,5 quả/kg, na nhỏ hơn cũng từ 5-7 quả/kg), mã đẹp, ngọt đậm, thơm ngon.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Nam, toàn huyện có 1.730 ha na, sản lượng ước đạt hơn 14,3 nghìn tấn quả. Sản lượng na trái vụ ước đạt hơn 6 nghìn tấn, được người dân thu hoạch từ giữa tháng 11/2022 đến hết tháng 1/2023.
Nâng tầm trái na dai Lục Nam
Về các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Lan Mẫu (huyện Lục Nam) những ngày cuối năm thấy cảnh người dân thu hoạch, thương lái mua bán na rất nhộn nhịp. Theo người dân nơi đây, cây na được trồng trên địa bàn huyện Lục Nam từ những năm 1960, nhưng chỉ khoảng 16 năm trở lại đây, phong trào trồng na mới phát triển mạnh. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp giúp na dai Lục Nam luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Theo ông Nguyễn Đức Bồn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyền Sơn cho biết, do chất lượng thơm, ngon, dần nhiều người biết đến và quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng rồi đến khu vực miền Trung .... Hiện nay, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương này.
![]() |
Ông Phương Minh Hiến, người dân trồng na xã Huyền Sơn cho biết, quả na Lục Nam có hương vị thơm ngon, ngọt mát, ít hạt, quả to đều, có vị ngọt khác so với na ở những địa phương khác nên nhiều người thích mua. Nhà ông có 1 ha trồng na, với khoảng 1.000 cây, mỗi vụ cho thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch 2 vụ, với tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. |
Cũng theo ông Nguyễn Đức Bồn cho biết, trước đây, mỗi vụ thu hoạch na chỉ kéo dài một tháng nên người trồng na thu hoạch khá vất vả, hay bị thương lái ép giá. Tuy nhiên hiện nay, nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, người dân cho na ra quả rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch bằng cách tỉa cành vào những thời điểm nhất định và sử dụng chất dinh dưỡng hợp lý để na có thể ra quả ngay trên thân cây và vào những thời điểm thích hợp.
Để làm được điều này, từ tháng Giêng, người dân bắt đầu tỉa cành, kích thích cây ra hoa, đến khoảng tháng 6 sẽ cho thu hoạch vụ na đầu tiên. Song song với việc thu hoạch, để kích thích cây ra hoa đợt hai, người dân lại tiếp tục tỉa cành và bón chất dinh dưỡng phù hợp. Như vậy, đến khoảng tháng 11 sẽ được thu hoạch vụ na thứ hai. Với cách làm này, những khu vườn na đang thu hoạch sẽ xen lẫn với những vườn bắt đầu ra hoa. Đặc biệt, quả na ra trái vụ vẫn thơm ngon, chất lượng như na chính vụ, chị Trần Thị Lý – thành viên Hợp tác xã na Lục Nam cho hay.
![]() |
Thương hiệu na Lục Nam sẽ được “vươn xa” hơn nữa nếu có sự liên kết chặt chẽ, bài bản giữa người trồng na và doanh nghiệp. |
Để thúc đẩy việc tiêu thụ và quảng bá hình ảnh, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Na dai Lục Nam". Ngày 20/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2806/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00083 cho sản phẩm “na dai Lục Nam”. Ủy ban nhân dân huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) là đơn vị quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Dự kiến đến hết năm 2022, toàn huyện Lục Nam có 165 ha na được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 3 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cây na đã trở thành cây làm giàu của nông dân huyện Lục Nam. Phát huy những lợi thế tự nhiên phù hợp với cây na, người dân còn sáng tạo ra kỹ thuật trồng na trái vụ, trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP... giúp trái na nâng cao giá trị. Đặc biệt, khi trái na Lục Ngạn đã có thương hiệu cùng tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm, nâng cao giá trị và giúp loại trái cây đặc sản này của Lục Nam có thể vươn xa ra các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu./.