Những người "phu dưa" đang gánh những sọt dưa hấu đến điểm tập kết ở thủ phủ dưa hấu Krông Pa. |
Đời "du mục" ở thủ phủ trồng dưa hấu
Huyện Krông Pa được xem là thủ phủ trồng dưa của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1.000ha. Chính bởi nơi đây có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng dưa hấu nên đã thu hút được nông dân từ nhiều nơi đến thuê đất để trồng. Trong đó, người Bình Định chiếm đa số với khoảng 80% là chủ nhân của các ruộng dưa.
Hơn 10 năm gắn với cây dưa hấu, cũng từng đó năm anh Nguyễn Văn Chín gắn bó với vùng dưa hấu ở buôn Tang (xã Phú Cần, huyện Krông Pa). Quê anh ở Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), vượt hàng trăm cây số lên huyện Krông Pa thuê 2ha đất trồng dưa.
Mỗi vụ dưa cũng là những tháng ngày sống đời "du mục". Trung bình 1 năm anh làm 2 đến 3 vụ dưa hấu ở các nơi khác nhau. Vừa xong vụ dưa hấu ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông vào tháng 7 vừa qua, anh Chín nhanh chóng đến xã Phú Cần tìm đất để làm vụ dưa hấu thứ 2 trong năm. Xong vụ dưa hấu này, anh sẽ tiếp tục di chuyển về quê hương Bình Định làm vụ dưa hấu thứ 3.
Huyện Krông Pa được xem là thủ phủ trồng dưa của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1.000ha. |
Với kinh nghiệm sau 10 năm tích lũy, anh Chín cho rằng, dưa hấu cũng giống như cây khoai lang, càng trồng trên mảnh đất quen thuộc, trái không lớn và chất lượng cũng kém ngon. Do vậy, những nông dân trồng dưa ở Bình Định phải đi nhiều nơi thuê đất trồng dưa. Rồi qua những người quen, bắt mối sang các tỉnh Tây Nguyên và cuộc đời của những anh chàng xa xứ trên những cánh đồng dưa bắt đầu từ đó.
Ở những ruộng trồng dưa, tất cả đều có chung một kiểu nhà tạm bợ, khung bằng cây tre, mái vách đều che bạt. Bên trong treo 1 - 2 chiếc võng để ngủ, sang hơn thì có chiếc giường, phía dưới là bếp ga mini cùng chiếc rổ đựng chén bát. Quần áo và các vật dụng sinh hoạt thì vứt lộn xộn đúng nghĩa với cuộc sống của những người du mục.
Dưa hấu được thu hoạch tại điểm tập kết chờ thương lái tới lấy hàng. |
Vụ dưa tại huyện Krông Pa được bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, sau 3 tháng chăm bón là đến mùa thu hoạch. Thời điểm sau Tết, dưa bắt đầu công đoạn chọn trái. Trung bình 1 gốc sẽ có 3 dây và mọc ra nhiều trái dưa non. Theo nguyên tắc, một gốc chỉ được chọn 2 trái dưa tốt nhất, còn lại phải cắt bỏ hết để đảm bảo đủ dinh dưỡng và trái phát triển tốt hơn.
Vụ dưa hấu "trái đắng" và những tiếng thở dài
Đang thu hoạch 1,5ha dưa hấu mà gia đình thuê đất để trồng ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), ông Nguyễn Văn Kính (tới từ tỉnh Phú Yên) buồn rầu vì dưa năm nay mất mùa. Ông cho hay, cũng tại mảnh đất này, vụ trước, thời tiết thuận lợi, mỗi trái dưa khi thu hoạch có thể nặng đến 8kg nhưng năm nay trọng lượng dưa nhẹ hơn rất nhiều.
Từng hơn chục năm trồng dưa hấu, ông Kính bao phen nếm trải cảnh bấp bênh, năm được, năm mất. Cũng như nhiều hộ trồng dưa đa phần vốn đầu tư là vay mượn từ ngân hàng. Nếu được mùa được giá thì sẽ thanh toán hết nợ nầy rồi xoay vốn đầu tư tiếp. Còn mất mùa thì vẫn phải xoay vốn làm tiếp vụ sau, nợ chồng nợ.
Trường hợp của anh Nguyễn Nhật Tân cũng không mấy lạc quan. Anh quê ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) lên thuê 3ha đất tại xã Ia Mlăh (huyện Krông Pa) để trồng dưa hấu. Anh Tân đầu tư 1ha dưa từ ban đầu đến khi thu hoạch khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, Vụ này mưa nhiều, dưa phát triển không đều nên năng suất trung bình chỉ đạt từ 30 đến 34 tấn/ha, giá thu mua từ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Nhẩm tính, vụ dưa này anh Tân lỗ khoảng 60 triệu đồng.
Những người trồng dưa hấu bao phen thua lỗ vì giá giảm mạnh, thu không đủ bù chi phí. |
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, nhiều hộ trồng dưa đến khi thu hoạch giá rớt thảm xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg, nhiều hộ lỗ từ 100 đến 200 triệu đồng. Bỏ qua thất bại, các hộ trồng dua lại “đặt cược” cho vụ dưa năm nay với nhiều hi vọng khi thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên với tình trạng vừa mất mùa, giá lại thấp như hiện nay, người trồng dưa lại tiếp tục một vụ nếm trái đắng.
Được biết, năm nay, toàn huyện Krông Pa có hơn 1000 ha dưa hấu với sản lượng xấp xỉ 40.000 tấn. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết, gần như toàn bộ diện tích dưa là của người dân ở nơi khác đến thuê đất để trồng tự phát, không có trong quy hoạch của huyện. Bên cạnh đó, thương lái đến mua dưa theo hình thức tự do, không có ký kết hợp đồng nên chính quyền và ngành chức năng không thể đưa ra những định hướng, hỗ trợ cho nông dân.
Trong những năm qua, Krông Pa luôn là vùng "đất lành” cho những người xa xứ ở Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng dưa. Krông Pa không chỉ có quỹ đất rộng lớn, giàu dinh dưỡng mà nơi đây còn có nguồn nước tưới phong phú, rất thích hợp để cây dưa hấu phát triển. Nhờ sự cần cù của những người xa xứ đã biến nơi đây thành “thủ phủ” dưa hấu của tỉnh, khẳng định vị thế của loại nông sản này trên đất Krông Pa. Để trái dưa hấu luôn là trái ngọt, mỗi vụ dưa là thêm những nụ cười cho những “đời du mục” cần có sự phối hợp của ban ngành địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng sản xuất và kết nối với thị trường bền vững./.