Đến thời điểm này mới có khoảng 30.000 tấn sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc. |
Giá sầu riêng tăng cao, nông dân lãi lớn
Từ cuối tháng 11, giá sầu riêng cắt tại vườn là 65.000 - 75.000 đồng/kg và nhà vườn rất phấn khởi bởi với mức giá hiện tại, sau khi trừ các chi phí nhà vườn đang có lãi. Mức giá này cao hơn khoảng 20% so với cách đây hai tháng và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Có mặt tại vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, ông Bảy Mừng cho biết gia đình ông vừa cắt xong 5 tấn sầu riêng. "Với những trái đạt chuẩn tôi bán 75.000 đồng/kg, hàng loại 2 - 3 là 65.000 đồng/kg. Thu về hơn 300 triệu đồng", ông Bảy Mừng nói.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, sầu riêng tăng giá mạnh phần lớn nhờ việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được khai thông.
Để tận dụng được thị trường này, sở đề nghị người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh. Ngành nông nghiệp tập trung tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân...
Tiền Giang cũng đang xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích trên 17.000ha, tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy... Tại Tiền Giang có khoảng 100ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng.
Từ cuối tháng 11, giá sầu riêng cắt tại vườn là 65.000 - 75.000 đồng/kg. |
Còn tại Tây Nguyên, ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch Hợp tác xã (HTX) trái cây Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết hiện HTX có trên 1.000ha sầu riêng với sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã vùng trồng (16 mã).
Nhưng năm 2022 khi được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch thì vụ mùa đã hết, nhiều người đặt vấn đề mua quota nhưng HTX không hám lợi, quyết đóng mã để bảo vệ bà con. Bên cạnh đó, HTX và địa phương phải quản lý chặt mã vùng trồng để ngăn độn hàng đổi mã, làm mất uy tín.
"Xin được một mã vùng trồng là rất khó nên không thể tham lợi nhỏ mà bỏ mâm to. Đến năm sau, khi chọn mua họ cũng sẽ ưu tiên hơn đối với sầu riêng có mã vùng trồng khác, từ đó giá sẽ tự tăng lên, người nông dân hưởng lợi", ông Tuấn phân tích.
Nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc rất lớn, tiêu chuẩn nghiêm ngặt
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau khi ký chính thức nghị định thư, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 1,3 triệu tấn/năm, gấp đôi khả năng cung ứng (hiện sản lượng 670.000 tấn/năm) của Việt Nam hiện nay. Ông Vũ Ngọc Huy, phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, tiết lộ khi xuất khẩu container sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng.
Nguồn cung sầu riêng tại Việt Nam dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc cũng rất lớn, tuy nhiên lượng sầu riêng xuất khẩu vẫn còn rất ít. Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: "Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng chúng ta mới chỉ xuất khẩu được 30.000 tấn là do còn ít mã số vùng trồng được phê duyệt".
ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận định về tình hình xuất khẩu sầu riêng. |
Nhận định về chất lượng sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu Trung Quốc, ông Hoàng Trung cho biết:
Các giống sầu riêng của Việt Nam đang trồng như Ri6, Dona (hay còn gọi Monthong) rất ngon. Giống quyết định đến 90% chất lượng, còn lại là biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc... Chất lượng sầu riêng Việt Nam được đánh giá top đầu trên thế giới.
Khi xuất sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cạnh tranh ngay với sầu riêng của Thái Lan, Malaysia. Điều đó được thể hiện bởi nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2022 lên tới 1,3 triệu tấn, tương đương sản lượng hiện tại của Việt Nam.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng, theo ông Hoàng Trung, điều này rất cần nếu muốn mở rộng diện tích, sản lượng xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các loại trái cây, nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, theo ông Trung, việc xây dựng thương hiệu do Bộ Công Thương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), còn chúng tôi có trách nhiệm đàm phán kỹ thuật, mở cửa thị trường, tập huấn địa phương, người dân tổ chức sản xuất, đóng gói theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Khi xuất sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cạnh tranh ngay với sầu riêng của Thái Lan, Malaysia. |
Ông Hoàng Trung cũng lưu ý, để đẩy mạnh việc xuất khẩu các loại nông sản sang Trung Quốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu như Trung Quốc, các vùng trồng được cấp mã phải 10ha trở lên. Các vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng thấp nhất cũng 12ha, có mã lên tới hàng trăm ha.
Điều này tạo điều kiện cho người dân chung tay liên kết với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Chất lượng tốt, giá cả tăng lên. Chẳng hạn, giá sầu riêng đã tăng gấp ba lần trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.
Tuy vậy, người dân cần chuyên nghiệp hơn nữa, doanh nghiệp phải phối hợp với nhau, phải phối hợp với người dân, HTX để tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo chất lượng.
Cũng theo ông Hoàng Trung, Trung Quốc có thể dừng, hủy nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Hằng năm, Trung Quốc sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Do đó, ngoài sự giám sát của ngành nông nghiệp, người dân, doanh nghiệp và địa phương phải luôn trong tâm thế là phía Trung Quốc sẽ kiểm tra bất cứ lúc nào các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
“Ngoài việc cố gắng ngăn chặn giả mạo, mượn mã số không phép, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói khi muốn ủy quyền phải gửi văn bản về cục để giám sát tại các cửa khẩu thông quan. Nếu không đúng, chúng tôi yêu cầu quay đầu” ông Trung cho hay.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật vừa gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồ sơ các mã vùng trồng chưa được phê duyệt trong lần kiểm tra đầu tiên và 150 mã số vùng trồng mới. Dự kiến đầu tháng 12, phía Trung Quốc sẽ kiểm tra, đánh giá. Sang năm 2023, khi diện tích vùng trồng được phê duyệt mở rộng, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh.
Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc là cơ hội tốt cho loại trái cây đặc sản này của Việt Nam. Nắm bắt cơ hôi, không chỉ thúc đẩy giá sầu riêng tăng cao mà còn giúp người trồng sầu riêng chuẩn hóa các quy trình từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Khi đã làm chuẩn các quy trình, sầu riêng sẽ rộng đường xuất khẩu không chỉ tại Trung Quốc mà còn vươn ra các thị trường tiềm năng khác./.