Lan thu hoạch lá tầm ma để có nguyên liệu sấy mẻ trà mới |
Cô cử nhân cất bằng trồng cây thảo mộc được nhắc đến ở đây chính là Chu Thị Lan (SN 1993, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk).
Chia sẻ về cơ duyên đến với thảo mộc, chị Lan cho biết, năm 2015, chị có cơ hội tham gia giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại tỉnh Iwate, Nhật Bản. Tại đây, chị được tham quan trang trại Tategamori Ark. Năm 2016, chị xin vào làm việc tại công ty Tategamori Ark. Chị đã học được cách làm nông nghiệp hữu cơ ở đây để sau này về Việt Nam khởi nghiệp.
“Năm đầu ở Nhật, tôi có ấn tượng từ chính thói quen uống trà thảo mộc sau mỗi bữa cơm tối của họ. Tôi được tiếp xúc dần với thảo mộc, nhận thấy tác dụng của nó trong đời sống nên bắt đầu dành dụm tiền để tham gia học phương pháp trị liệu tự nhiên, làm mỹ phẩm tự nhiên của các hiệp hội uy tín tại Nhật. Tình yêu với thảo mộc cứ lớn dần”, chị Lan kể.
Trở về Việt Nam vào tháng 7/2021, Lan nhận thấy mình như “hạt cát” trên thị trường nông nghiệp. Không rành về kinh doanh, mất hết những mối quan hệ khi xưa, lại gặp áp lực từ phía gia đình, hành trình khởi nghiệp “đơn thương độc mã” của Lan gặp vô vàn khó khăn.
Tuy vậy, cô vẫn vững tin khởi nghiệp từ mảnh vườn gia đình để lại. Đây là vườn cà phê, nhưng sau khi nghỉ hưu, bố Lan đã chặt hết cây trồng, xây dựng tường rào bao quanh. Lan cho biết, bản chất vườn là đất sét pha cát, không phải đất đỏ màu mỡ nhưng có thể trồng thảo mộc nếu được cải tạo tốt.
Nghĩ vậy, cô bắt tay trồng theo mô hình vườn rừng, cắt cỏ thấp để giữ ẩm đất, sử dụng phân chuồng hoai mục để tạo độ dinh dưỡng cao cho cây trồng. Ngoài ra, cô tận dụng những tán bơ có sẵn để xen vào các loại thảo mộc, nhờ vậy trên cùng một mảnh đất có thể thu được sản lượng gấp đôi.
Sau nhiều lần trồng thử nghiệm, khu vườn của Lan giờ đã được lấp đầy bằng những loại thảo mộc như bạc hà, bụp giấm, riềng, tía tô đất, sả chanh pháp, hương thảo…
Chị Chu Thị Lan lựa chọn hướng đi khởi nghiệp với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe |
Hiện tại, sản phẩm của Lan chia thành 2 mảng: Một là các sản phẩm trà thảo mộc phối trộn nhiều loại giúp duy trì sức khỏe cũng như phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh do lối sống sinh hoạt; hai là các sản phẩm chăm sóc da, tóc ứng dụng thảo mộc thiên nhiên.
Cô chia sẻ: “Về trà lá dâu tằm, tôi lấy nguyên liệu là lá những cây dâu tằm lâu năm mà ở Việt Nam thường bị chặt bỏ. Sau đó, tôi đem về xử lý, sấy theo phương pháp riêng sao cho chất dinh dưỡng, dược tính của lá vẫn nguyên vẹn. Trà bột lá dâu tằm rất được ưa chuộng ở Nhật vì giúp phòng và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường nên tôi cũng muốn phổ biến ở Việt Nam”.
Ở mảng chăm sóc da bằng phương pháp tự nhiên, Lan tâm đắc với sản phẩm xà bông lỏng dầu hạt sở. Cô cho biết, cây sở vốn được trồng nhiều ở Việt Nam nhưng chỉ mới được trồng chủ yếu để lấy hạt ép thành dầu ăn, dầu máy. Nhận thấy dưỡng chất có trong hạt sở tốt cho cơ thể, cô đã “thai nghén” ra xà bông lỏng dầu hạt sở, sử dụng kết hợp tinh dầu phong lữ, oải hương, bạc hà để sản phẩm có độ lành tính với da. Đây cũng là cách để Lan phát huy giá trị nông sản Việt.
Hiện Lan vẫn nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để có tiềm lực phát triển, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các vườn hữu cơ khác. “Ngoài ra, tôi mong sau này có thể mở những buổi workshop hướng dẫn mọi người ứng dụng thảo mộc thiên nhiên để họ biết cách tự blend (phối trộn) trà phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình”, Lan hy vọng.