Hàng ngàn ha mặt nước "bỏ hoang"
Theo thống kê, Đắk Lắk hiện có 622 hồ chứa và 23 hồ thuỷ điện. Tổng diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh này lên đến 42 ngàn ha. Đánh giá của cơ quan chuyên môn, Đắk Lắk có thể phát triển được nhiều loại thuỷ sản, đặc biệt là các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi, cá lăng...
Đắk Lắk có hàng chục ngàn ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ảnh: Duy Hậu. |
Tuy nhiên, hiện nay giá trị ngành thuỷ sản chỉ đạt khoảng 3% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của của Đắk Lắk. Năm 2024, Đắk Lắk có khoảng hơn 10 ngàn ha được nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, diện tích hồ chứa của người dân tự phát triển khoảng gần 200ha, số còn lại được khai thác từ mặt nước hồ thuỷ lợi.
Như vậy, chỉ có khoảng gần 17% diện tích mặt nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được khai thác để nuôi trồng thuỷ sản. Hàng chục ngàn ha mặt nước còn lại vẫn đang "bỏ hoang".
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MVT quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết, đơn vị đang được UBND tỉnh giao quản lý khai thác 267 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích mặt nước khoảng 7.300 ha. Tính đến nay, chỉ có 56 hồ chứa (khoảng 4.000 ha) do Công ty quản lý đã được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản với hình thức chủ yếu là nuôi quảng canh, một số hồ có nuôi lồng bè.
Vẫn theo ông Bảo, hiện nay, tiềm năng để phát triển kinh tế thủy sản vùng hồ chứa trên địa bàn rất lớn. Đa phần các hồ đều nằm trong vùng nước sạch, mang lại nguồn thủy sản an toàn, có giá trị cao. "Về phía công ty, chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp, người dân thuê để nuôi trồng thủy sản, góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, tận dụng được nguồn thu từ phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa, qua đó bù đắp thêm các khoản chi phí mà ngân sách nhà nước chưa đảm bảo cho các hoạt động bảo vệ công trình thủy lợi"- ông Bảo cho biết.
Thiếu cơ chế
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Đắk Lắk, hiện nay, việc phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa, nhất là hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các hồ chứa chưa được thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng để có các thông tin cụ thể về các chỉ tiêu liên quan đế sức tải về môi trường, dinh dưỡng... Điều này khiến việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản gặp khó.
Mặc dù tiền có tiềm năng rất lớn nhưng chưa có cơ chế nên ngành nuôi trồng thuỷ sản tại Đắk Lắk vẫn chưa phát triển. Ảnh: Duy Hậu. |
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến nay chủ yếu đầu tư phát triển nuôi ao, cấp phép nuôi quảng canh hồ chứa, chưa mạnh dạn cấp phép nuôi thủy sản lồng bè trên hồ chứa.
Đặc biệt, phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (gọi tắt là Nghị định 96) chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt và ban hành. Vì vậy, việc ký hợp đồng với các đơn vị được cấp phép cũng chưa thể hiện được mức giá cụ thể do không có cơ sở xác định giá…
Theo Công ty TNHH MVT quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, thực hiện Nghị định 96, công ty đã triển khai xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác. Trên cơ sở phương án giá do công ty trình và ý kiến thẩm định của các sở, ngành, UBND tỉnh trình Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính xem xét.
Tuy nhiên, do Nghị định 96 còn nhiều vướng mắc, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, do đó phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác do các đơn vị xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa quy định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trên toàn quốc.
Chính vì vậy, trong số 56 hồ chứa (do công ty quản lý) được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản, thì đến nay đã có 40 hồ chứa có giấy phép đã hết thời hạn, song việc xin thuê, gia hạn mặt nước để nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân gặp vướng mắc do nhiều thủ tục rắc rối.
Đối với những đơn vị đã được cấp giấy phép, công ty thương thảo và ký hợp đồng nuôi trồng thủy sản theo mức giá theo phương án giá đã được các sở ngành thẩm định, UBND tỉnh Đắk Lắk trình các bộ ngành, với tinh thần tự nguyện từ hai bên, không ép buộc. Việc thương thảo đều được lập thành biên bản và sau đó thực hiện ký hợp đồng.
Tuy nhiên, theo Nghị định 96 thì đơn giá được tính theo đơn vị “đồng/ha”, do đó việc xây dựng đơn giá bình quân chưa phù hợp với tình hình các hồ chứa hiện tại do công ty quản lý. Cụ thể: mức giá đang áp dụng hiện tại gần 600.000 đồng/ha, chỉ phù hợp với đa số diện tích của các hồ chứa đang quản lý từ vài héc-ta đến dưới 100 ha, mức giá này rất khó thực hiện đối với các hồ chứa có diện tích lớn như Ea Súp thượng, Krông Búk hạ, Ea Rớt…
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MVT quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho rằng, Sở NN-PTNT cần tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành sớm điều chỉnh một số nội dung còn vướng mắc tại Nghị định 96 và sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 96. Đồng thời, hướng dẫn công ty triển khai thực hiện các giấy phép hoạt động về nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa do UBND tỉnh cấp trong bối cảnh giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa được ban hành.
Hiện Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cần điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái; xây dựng các cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ cho nghề nuôi cá hồ chứa. |
Xuất khẩu thủy sản "rộng cửa" sang thị trường Trung Đông Ngành tôm khẳng định vị thế vững chắc Tạo động lực để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 |