Vì yêu hoa hồng cổ, nhiều nhà vườn đã đúc kết được những bí quyết ghép hoa, tạo dáng bonsai. |
Choáng ngợp với thế giới hồng cổ ở thủ đô
Với những người mê hoa hồng cổ sẽ không khỏi choáng ngợp vợi bộ sưu tập của anh Đào Mạnh Hùng (ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) với khoảng 20.000 gốc hồng gồm 300 giống hồng trên khắp thế giới và hơn 10 giống hồng nội địa.
Anh Hùng (Giám đốc Công viên thực vật cảnh Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, cây cảnh bonsai từ lâu đã được nhiều người ưa chuộng. Khoảng 1,2 năm trở lại đây, nhu cầu xanh hóa không gian sống, cải thiện môi trường đem lại sự thông thoáng và trong lành của nhiều người ngày càng cao, đặc biệt là đô thị nên hồng bonsai bắt đầu thu hút được sự chú ý của giới làm nghề và trở thành lựa chọn hoàn hảo ngay cả những không gian chật hẹp nhất.
Nhiều loại hoa hồng ngoại trên thế giới được “nhiệt đới hóa”, chăm sóc tại vườn. |
Đến Công viên thực vật cảnh Việt Nam, người yêu hoa hồng có thể chiêm ngưỡng và được ngắm nhìn từ những giống hoa từ truyền thống đến ngoại nhập như hồng nhung, hồng leo, hồng Tường Vy, hồng chùm son, hồng 3 màu, hồng leo Thanh Hương, hồng Hoàng Khánh, hoa hồng Minh Tú, hoa hồng Cát Anh, hồng Abraham Darby, hồng Mon Coeur… Bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng những loài hoa hồng ngoại quý hiếm như hồng Bạch Cổ, hồng Khai Tuệ, hồng Tầm Xuân Bắc, cây hoa hồng cổ thân gỗ… Bên cạnh đó, Công viên thực vật cảnh Việt Nam cũng tổ chức tour du lịch để các bạn trẻ và các gia đình đưa con đến tham quan, có thêm kiến thức bổ ích bổ ích và trau dồi kỹ năng sống.
Những loại hoa hồng quý hiếm được ông Hùng sưu tập, nhân giống từ khắp mọi nơi |
Hồng bonsai giống như thiên nhiên thu nhỏ, trong đó công đoạn tạo hình để làm sao tạo ra một tổng thể thống nhất giữa cây và chậu được xem là yếu quan trọng, quyết định đến giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ của cây. Việc tạo hình của cây phụ thuộc vào phong cách sáng tạo của người trồng khi ghép cây. Với mỗi sự sắp xếp, thay đổi đã tạo nên một cây hồng bonsai nghệ thuật mang phong cách khác nhau.
Bí quyết ghép hoa hồng cổ tạo dáng bonsai
Các giống hồng truyền thống của Việt Nam thường được dùng ghép là hồng Bạch, hồng Nhung, hồng cổ Văn Khôi... Bên cạnh đó là một số giống hồng ngoại được nhập từ nước ngoài về như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp… Để có giống hồng nhập ngoại để ghép, anh Hùng đã cất công tìm hiểu rất nhiều và đặt giống qua nhiều năm rồi tìm cách thuần chủng để thích nghi với khí hậu ở Việt Nam.
Trong quá trình ghép cây, người trồng thường ghép trong khoảng thời từ 9-10 giờ sáng hoặc từ 3-5 giờ chiều. Sau khoảng 19-20 ngày, khi chỗ mắt ghép đã liền thì người trồng sẽ cho mở mắt vào khoảng thời gian buổi chiều để tránh ánh nắng không bị xiên vào lớp da non ở giữa mắt ghép và thân mẹ. Sau 1 tuần là cây có thể nảy lộc từ 1-2cm và người trồng chăm sóc chế độ dinh dưỡng theo từng loại để cây trở thành cây trưởng thành. Với sự độc đáo về ngoại hình, thân hồng bonsai càng xù xì và già cỗi thì càng đẹp và có giá trị.
Hồng bonsai giống như thiên nhiên thu nhỏ... |
Thông thường, hoa hồng bonsai được tạo thành bằng phương pháp ghép mắt hồng “hiện đại” lên gốc hồng cổ hoặc gốc tầm xuân, gốc hồng rừng nhiều năm tuổi với thân cây to, xù xì, cằn cỗi. Vì vậy mà dáng thế của cây hồng bonsai là dáng hoàn toàn tự nhiên chứ không phải do con người uốn nắn như những loại cây bonsai khác.
Tùy kích cỡ và hình dáng gốc mà chúng ta lựa chọn mắt ghép cho phù hợp:
+ Những gốc nhỏ, dáng thấp thường ghép các loại hoa hồng chùm, sai hoa, bông nhỏ như bạch trà, tỉ muội, Aunt Margy, Otto Line, Fairy Queen, Jane Green, Eclair…
+ Những gốc có dáng cao, dáng tree thường ghép các loại hồng leo chùm rủ hoặc giống hồng có bông lớn, siêng hoa như: Vineyard Song, Red Leonardo De Vinci, Heaven On Earth, Claude Monet, Julio Iglesias, Darlows Enimag, Yellow Meilove, Masora, Catalina…
Với sự độc đáo về ngoại hình, thân hồng bonsai càng xù xì và già cỗi thì càng đẹp và có giá trị. |
Để bắt đầu với nghệ thuật bonsai hoa hồng…
+ Việc đầu tiên cần làm là sưu tầm gốc ghép to khỏe, chủ yếu là gốc tầm xuân do chúng có sức sống dẻo dai, kháng bệnh tốt, tuổi thọ cao, đặc biệt là dễ tìm và giá thành rẻ.
Sau khi có được gốc ghép, cần phải chăm sóc gốc để nó ổn định lại bộ rễ rồi mới tiến hành ghép mắt vì sau khi đánh cây từ dưới đất lên chậu, bộ rễ của cây ít nhiều bị ảnh hưởng và cần có thời gian để phục hồi.
+ Việc thứ 2 cần làm là sưu tầm cây hoa hồng phù hợp để lấy mắt ghép (tham khảo các giống được liệt kê ở trên).
Sau khi ghép mắt, chúng ta thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt cho cây để mắt ghép phát triển khỏe mạnh. Trên thực tế, các mắt ghép rất dễ bị hư, phải ghép đi ghép lại nhiều lần mới thành công. Để cho ra một cây hoa hồng bonsai hoàn chỉnh phải mất thời gian từ 1 – 3 năm tính từ khi ghép mắt (chưa kể thời gian hình thành gốc ghép). Đây là một công việc cần có sự kiên trì, tỉ mẩn và óc sáng tạo. Chính vì những lý do trên mà một chậu hồng bonsai có giá rất cao từ vài triệu, vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Dáng thế của cây hồng bonsai là dáng hoàn toàn tự nhiên. |
Ngoài tạo hoa hồng bonsai bằng kỹ thuật ghép mắt lên gốc, người ta còn tạo ra những chậu hồng bonsai nguyên bản, tuy nhiên cách này thường cho ra những cây hồng đơn điệu, kém phong phú so với phương pháp ghép mắt.
Những bông hoa hồng cổ luôn mang một vẻ đẹp khác biệt, sâu lắng. Khi đã đắm say với loài hoa này thì thời gian như lắng đọng, vật chất chỉ như gió thoảng. Để lưu giữ những bông hoa tuyệt đẹp này, nghệ thuật bonsai hoa hồng đã thổi hồn vào những gốc hồng khẳng khiu, thô cứng trở thành một chậu bonsai hoàn mỹ không chỉ với những đường nét dáng thế tự nhiên, cổ kính của thân gốc rễ mà còn có sự rực rỡ của hoa cùng hương thơm ngây ngất./.