Vịt quay 7 vị
Bất kì du khách nào đặt chân đến Cao Bằng đều tấm tắc khen ngon khi nếm thử món vịt quay 7 vị trứ danh. Sở dĩ món vịt quay có tên gọi như thế là vì người Cao Bằng dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt này như: Gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ, quả mắc mật khô. Món vịt quay 7 vị không khó làm, nhưng để làm đến độ thơm ngon, hấp dẫn mọi thực khách lại không phải điều đơn gian.
Không như những món vịt thông thường, vịt quay Cao bằng ngay từ khâu chọn thịt, người làm cũng cần chọn lựa vô cùng kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Những con vịt đạt yêu cầu phải có cân nặng vừa phải, không quá béo cũng không quá gầy (khoảng 2 kg), chắc thịt và sáng lông.
Sau khi mổ vịt, người ta nhồi 7 loại gia vị khác nhau vào trong bụng con vịt rồi khâu bụng lại. Tiếp đến họ sẽ rưới mật ong và quét dấm trên lớp da, cuối cùng đưa lên than hồng nướng sao cho không bị ám mùi khói. Vịt quay bảy vị có mùi thơm quyến rũ, thịt ngọt với các thớ săn chắc hòa quyện với vị mật ong rừng thực sự là một món ngon Cao Bằng mà bạn không thể bỏ lỡ.
Vịt sau khi quay có da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai. Cắn ngập vào miếng thịt, bạn phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt thấm đượm trên đầu lưỡi.
Lạp sườn
Lạp sườn là món ăn truyền thống ở Cao Bằng, được làm từ thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông và phần lòng của lợn vùng cao. Vi vu đến Cao Bằng, bạn có thể thưởng thức lạp sườn ở khắp mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng đến bữa cơm gia đình ấm cúng.
Nhờ vào "tuyệt chiêu" tẩm ướp bí truyền, lạp sườn thường có vị chua chua, mằn mặn xen lẫn hương thơm rất ngậy từ gừng, quả và lá móc mật - chiên vàng hoặc nướng trên than hồng rồi ăn kèm với rau sống đều là "cực phẩm". Đây cũng là món ngon Cao Bằng được nhiều du khách chọn mua về làm quà tặng bạn bè, người thân sau những chuyến đi xa.
Bánh trứng kiến
Đến với Cao Bằng vào mỗi dịp xuân sang chắc chắn bạn sẽ không thể nào bỏ qua được món bánh trứng kiến, đặc sản nổi tiếng của người Tày. Người dân tộc Tày sinh sống hầu hết ở vùng núi phía bắc thế nên món bánh trứng kiến là đặc sản của cả núi rừng Tây Bắc, nhưng để có được hương vị ngon ấn tượng nhất, theo đánh giá của hầu hết các thực khách Cao Bằng là nơi làm ra món bánh này ngon nhất.
Trứng kiến tất nhiên sẽ là nguyên liệu chính của bánh trứng kiến được lấy từ những tổ kiến lành làm trên cành xoan, quế hay găng… Số lượng trứng kiến trong mỗi tổ cũng khác nhau tùy theo kích thước. Trứng kiến thu được có hình như hạt gạo mẩy, căng tròn, có màu trắng sữa và hương thơm thoang thoảng hấp dẫn. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến.
Rau dạ hiến
Rau dạ hiến hay còn được gọi là rau bồ khai, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Đây là loại cây thân dây rất giòn, được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời.
Vào dịp xuân hè, ở vùng thị xã cũng như ở các thị trấn, thị tứ, hầu như không có bữa tiệc, bữa cỗ nào là không có đĩa rau dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi hoặc lòng lợn, lòng gà... Trong vài ba năm lại đây, nhiều vị khách quen từ miền xuôi lên Cao Bằng vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6, tháng 7 âm lịch đều không quên tìm ăn món phở xào rau Dạ hiến.
Rau dạ hiến ngon nhất khi xào với tỏi. Chỉ nhai vài miếng ta đã thấy ngay cái vị hấp dẫn của thứ rau này, vì nó vừa có vị béo ngậy của mỡ, vị thơm của tỏi phi. Cái hương vị đồng quê càng khiến người ăn nhớ nhà. Nhiều cụ lang cho rằng, dạ hiến không chỉ đơn thuần là đặc sản Cao Bằng bởi có vị ngon hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Ðặc biệt, rễ cây rau dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh.
Xôi trám
Với người dân Cao Bằng, xôi trám là một món ăn dân dã, truyền thống. Nguyên liệu chính để làm xôi trám là gạo và quả trám. Trám đen có hai loại là trám nếp và trám tẻ. Thông thường, người ta hay chọn trám nếp để đồ xôi vì có vị bùi, ngọt, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ.
Từng quả trám đen chỉ to bằng ngón tay cái, thon nhọn ra hai đầu và bạn phải chọn loại trám nếp chín cây có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa, da quả căng, bóng, mịn không bị rộp. Ở Cao Bằng, trám đen ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An là ngon nhất do khí hậu thổ nhưỡng hợp với loại cây này. Xôi trám ăn bổ, béo, vị là lạ nhưng khá là ngon so với những loại xôi thông thường như gấc, đỗ. Nên ăn thử loại xôi này một lần để cảm nhận được sự khác biệt như thế nào.
Bánh áp chao
Đến Cao Bằng vào mùa đông, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến bánh áp chao. Đây là món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy giống bánh rán nhưng nó vẫn những điểm khác biệt. Để làm món bánh này, bạn cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản với một chảo dầu nóng, lấy từng khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu đang sôi.
Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, rất nhớ ngay cả khi đi xa. Những ngày đông giá rét Cao Bằng, bạn có thể ghé vào một quán ăn lề đường, gọi 1 suất bánh áp chao và sưởi ấm cái lạnh. Thật là một cảm giác khó quên.
Bánh khảo
Bánh khảo là loại bánh cổ truyền không thể thiếu trên bàn thờ cúng tổ tiên. Bánh được ví như là lương khô của người dân vùng cao và cũng được sếp vào danh sách những đặc sản Cao Bằng. Tuy đơn giản nhưng để làm được chiếc bánh khảo ngon đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từ công chọn bột.
Thông thường, người Tày sẽ trộn thêm nhân đậu phộng, vừng, thịt mỡ để bánh có thêm hương vị đặc biệt. Bánh sau khi đóng khuôn xong sẽ được cắt thành từng phong nhỏ, gói lại thật khéo bằng một lớp giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Thạch đen
Nghe qua có vẻ lạ tai nhưng thạch đen Cao Bằng cũng giống như sương sáo - món ăn giải nhiệt quen thuộc đối với người dân miền Nam. Thạch đen làm từ loại cây cùng tên, được trồng nhiều tại huyện Thạch An.
Ít ai biết rằng thạch đen vốn dĩ là món ăn bài thuốc, tính mát, vị ngọt, có công dụng ổn định huyết áp, trị cảm mạo và đau khớp. Sau hành trình khám phá Cao Bằng mệt “bở hơi tai” mà được thưởng thứ một chén thạch đen pha nước đường hoa mai hay đường nâu ngọt lịm thì còn gì bằng.
Phở chua
Phở Chua là một trong những món ăn được đặt trong sách đỏ “những món ngon nên ăn thử một lần khi đến Việt Nam”. Cũng giống như Phở Chua Lạng Sơn, về nguyên liệu của món phở chua gồm có bánh phở, dạ dày và gan heo, lạp xưởng, vịt quat, ba chỉ,... rau thơm và lạc rang . Món phở này ngon tuyệt cũng nhờ phần nước dùng đậm đà được lấy từ bụng vịt, sau đó pha thêm cùng với tỏi, dấm, đường.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Hạt dẻ Trùng Khánh là một là một đặc sản Cao Bằng mang một hương vị rất riêng của núi rừng Tây Bắc mà không ở nơi đâu có được. Hạt có vỏ cứng dầy, nhiều lông tơ. Nếu bạn đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng bạn sẽ thấy hạt dẻ có hương thơm rất tự nhiên, ngọt bùi.
Ngoài là món ăn vặt hấp dẫn du khách, người dân Trùng Khánh thường ninh hạt dẻ với móng giò lợn cùng nấm hương để làm cơm đãi khách. Món này có mùi vị rất đặc biệt, cực kỳ thơm ngon. Hạt chỉ xuất hiện vào tháng 8, tháng 9 âm lịch. Ngày nay, khi được nhiều người yêu thích, người ta cũng tìm cách trồng nhiều hơn, kéo dài thời gian hơn để có thể có thêm thời gian thưởng thức được hương vị thơm ngon của mảnh đất vùng cao này.