Bánh xèo Quảng Hòa
Nếu bạn muốn tìm hiểu về đặc trưng của bánh xèo Quảng Bình thì phải tìm đến những bánh xèo Quảng Hoà. Tại đây, du khách vừa có thể thưởng thức những mẻ bánh mới ra lò nóng hổi, vừa quan sát cách làm bánh trực tiếp. Bánh xèo Quảng Hoà đơn giản, dung dị như những người dân nơi đây vậy. Nếu có dịp đến thăm Quảng Hoà, mình chắc rằng bạn sẽ vừa xiêu lòng bởi ẩm thực và cả con người nơi đây đấy!
Bánh xèo Quảng Hoà được làm bằng loại gạo đỏ hay còn gọi là gạo lứt nên có hương vị rất đặc biệt. Gạo sau khi thu hoạch sẽ được xay bóc vỏ lúa, sau 5 tiếng ngâm nước thì đem xay lần 1, lần 2 xay thì dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ sao cho tạo thành hỗn hợp gạo mịn, không bị loãng cũng không quá đặc. Sau đó, người ta cho thêm một ít muối và hành, hẹ xắt nhỏ vào trong hỗn hợp nước bột gạo rồi tiến hành tráng bánh. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người dân Quảng Hoà làm ra.
Sau khi bếp thật đỏ lửa thì bỏ khuôn lên. Khi tráng bánh, phải lưu ý trở bánh thật đều tay thì bánh mới nở. Bánh xèo mới ra lò có hình dạng lớn hơn bát ăn cơm một chút, bánh mỏng, mặt bánh có hoa văn nổi đều. Cách làm bánh khá đơn giản nhưng cách ăn thì có khá nhiều yêu cầu. Đó là phải đủ các món ăn kèm theo như cá chuối, bánh đa, nộm, rau sống và nước chấm.
Điều đặc biệt trong nguyên liệu làm món đặc sản bánh xèo Quảng Hoà là món “cá chuối” độc đáo. Cá chuối làm từ chuối sứ được gọt vỏ, ngâm với đường phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ, luộc chín. Sau đó uốn thành hình con cá, con tôm trông khá lạ mắt, rồi lấy từng con nhúng vào bát gia vị ớt tỏi. Như vậy, mỗi con cá chuối đều thấm gia vị.
Người ta thường ăn bánh xèo bằng cách cuộn cùng với các loại rau ăn kèm như rau sống, giá, rau két, vừng, cá chuối rồi kẹp với bánh đa. Nước chấm ăn kèm là nước mắm. Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa mới ra lò, nóng hôi hổi, tráng tới đâu ăn tới đó.
Bánh xèo Quảng Hòa không chỉ là món ăn ngon mà còn là một nét văn hóa của Quảng Bình. Người dân nơi đây đã, đang và luôn cố gắng duy trì món ăn truyền thống này bởi vốn dĩ, món ăn bình dân này không lời lãi được bao nhiêu mà các công đoạn làm bánh thì hết sức công phu. Từ đời này sang đời khác, bánh xèo Quảng Hòa vẫn tồn tại như là một niềm tự hào của người dân Quảng Hoà, một nét đẹp của riêng mảnh đất này nói riêng và Quảng Bình nói chung
Mắm Ruốc
Ruốc có lẽ là cái tên không mấy quen thuộc với người miền Bắc. Đây là sinh vật nhỏ bé, có kích thước nhỏ như hạt cát. Ruốc có màu nâu đỏ và có một chút múi tanh của tôm cá. Đây có thể được coi là đặc sản Quảng Bình vô cùng đặc biệt bởi không dễ để kiếm sinh vật này ở những địa phương khác. Người ta có câu ‘Ruốc tháng sáu đỏ như máu Rồng” ý nói ruốc mùa này là quý nhất trong năm. Chất lượng mắm làm ra vừa ngon mắt, vừa ngon miệng.
Mắm ruốc ăn rất vào cơm bởi nó có mùi thơm rất đặc biệt. Mắm ruốc đặc sệt, khi pha với tỏi, ớt, chanh thì đúng là ngon hết nước chấm. Trong bữa ăn có món mắm ruốc trong mâm thì khi ăn rau, dưa hay thịt luộc, bánh đúc,..đều ngon khỏi bàn.
Ruốc không chỉ được dùng để làm mắm mà còn có thể chế biến ruốc tươi luộc, nấu canh rau, canh khoai tía, khoai môn. Cho thêm ruốc vào rau khiến nồi canh rau thêm ngon, ngọt hơn nhiều mà không cần dùng tới bột ngọt. Với người dân miền Trung khi mùa lũ tới, nhà nào cũng có 1 lọ ruốc khô để dự trữ.
Du khách tới Quảng Bình thì nên mua thử ngay ruốc khô hay mắm ruốc để thưởng thức hương vị đặc biệt của Quảng Bình này nhé. Đảm bảo bữa cơm sẽ cực kì ngon và lạ miệng.
Nhút tép đồng Lệ Thuỷ
Từ xưa, nhút là món ăn chính của nhà nông trong mùa rét, khi thời tiết quá khắc nghiệt để làm nông hay đi kiếm thức ăn. Có nhà thậm chí còn làm cả vại nhút to cất ăn dần đến sau Tết vài tháng. Nhút được làm từ tép đồng. Cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch mỗi năm , khi ngoài đồng rút nước, chuẩn bị vào vụ đông xuân, lúc ấy vụ tép cũng bắt đầu.
Khi số tép bắt được quá nhiều, ăn không xuể, lại bán không hết nên người dân Lệ Thuỷ mới nghĩ tìm ra những cách chế biến và bảo quản đặc biệt. Trong đó có một cách chế biến đã làm nên món đặc sản Quảng Bình, đó là món nhút tép. Ngày nay, nhiều nhà máy sản xuất hiện đại đã phát triển nhút tép Lệ Thủy, biến chúng trở thành đặc sản nổi tiếng có thương hiệu. Nhút tép Lệ Thuỷ từ đó được du khách tìm mua làm quà quý cho người thân, bạn bè sau mỗi chuyến du lịch Quảng Bình.
Để làm được nhút tép ngon cần khá nhiều công phu. Nguyên liệu làm nhút tép là tép đồng phải thật đều, phải tươi rói và đang còn nhảy tanh tách. Tép đồng sau khi rửa thật sạch thì để ráo, trộn với muối hạt cho thật đều rồi cho vào vại sành để ướp. Loại muối ướp tép phải là loại muối hạt trắng tinh, sạch và không có tạp chất.
Người ta cũng cần chú ý lượng muối dùng để ủ tép, không thiếu cũng không thừa. Thiếu muối thì nhút sẽ không chín. Còn thừa muối thì nhút sẽ quá mặn, tạo ra mùi khó chịu. Sau khi cho tép đã ướp vào vại, dùng vĩ tre đè xuống, chờ tép chín tới thì bỏ vào vĩ tre rồi dùng tay chà tép ướp cho thật mịn.
Sau đó người ta đem trộn hỗn hợp trên với bắp rang vàng giã mịn hoặc thính gạo thật đều, rồi thêm các loại gia vị như ớt bột, riềng củ, gừng củ cắt chỉ… Cho hỗn hợp trên vào lọ thủy tinh hoặc hũ sành loại nhỏ rồi tiếp tục đem phơi dưới nắng. Một thời gian sau, khi tép chín ngấu, màu của nhút chuyển thành màu đỏ au, khi nếm có vị thanh, vị ngọt chua, cay và đậm đà và thơm nức mũi là dùng được.
Bánh bột lọc
Bánh lọc vốn là món đặc sản xứ Huế. Đến với Quảng Bình, bánh lọc được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một trong những món đặc sản nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai ghé qua mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này lại không từng nếm thử và hay mua bánh lọc về làm quà cho người thân, bạn bè.
Bánh bột lọc có phần vỏ bánh làm từ bột sắn lọc. Xưa, người ta còn cho thêm măng và miến cắt nhỏ vào nhân nữa, nhưng hiện nay thành phần chính của nhân bánh chỉ có nhân bánh gồm có tôm sông, mộc nhĩ, thịt heo băm nhỏ. Tôm làm nhân bánh thường là loại tôm nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa thấm đẫm vị mặn mòi của biển.
Sau khi phi hành cho cháy thơm, người ta cho thịt heo băm và tôm nguyên con vào đảo cho vàng đều, rồi thêm mộc nhĩ và hành lá, sau đó nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng, đậm đà. Sau khi nhồi bột lọc, vắt thành từng miếng nhỏ hình tròn, người ta cho nhân bánh vào giữa rồi gói lại thành hình tai bèo nhỏ xinh. Người ta có thể đem bánh trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay.
Bánh lọc hấp thường được gói lá chuối và hấp như hấp xôi. Những mẻ bánh bột lọc hấp lá chuối Quảng Bình khi mới ra lò sẽ có phần nhân đậm đà hòa quyện cùng sự mềm mịn, dẻo dai của phần vỏ bánh. Loại bánh bột lọc hấp này có thể bảo quản trong nhiều ngày, khi ăn thì chỉ cần đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo và ngon như bánh mới. Bánh bột lọc luộc hoặc hấp được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình. Một cách chế biến khác là bánh lọc rán.
Bánh lọc rán thì có phần vỏ giòn rụm, bánh dai hơn, được ăn kèm cùng nước mắm ớt bột. Miếng bánh nóng hổi, thơm dẻo đậm đà hoà cùng vị cay những lát ớt cay xé lưỡi càng thêm đáng nhớ. Món ăn trông có vẻ sơ sài, dân giã nhưng lại cực kỳ cuốn hút, chỉ cần ăn một miếng là nhớ mãi không quên nhé! Món ăn dân dã này cũng như người dân nơi đây, làm cho ai cũng vô thức quý mến!
Khoai deo
Khoai lang là một món ăn dân dã, quen thuộc đối với người dân mỗi vùng miền. Khoai có thể được chế biến bằng nhiều cách khác nhau, tạo ra những món ăn từ bình dân cho đến sang trọng như khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, làm mứt… Nhưng khoai deo thì không phải nơi nào cũng có bởi đó là đặc sản mà chỉ Quảng Bình mới có.
Cách chế biến món đặc sản này không quá phức tạp. Tuy vậy để có khoai deo ngon đạt chuẩn thì phải có bí quyết riêng trong quá trình chế biến. Nguyên liệu làm khoai deo Quảng Bình là khoai lang đỏ, loại khoai có hình dạng tương tự củ sâm và được trồng trên đất cát. Khoai lang đỏ rất tốt cho sức khỏe, cung cấp các loại vitamin A, C… có tác dụng giúp cơ thể cân bằng nước, bổ sung chất khoáng, chất xơ, tốt cho hệ tiêu hoá, …
Vì nguyên liệu làm khoai deo giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ nên khoai deo được người dân địa phương ưu ái đặt cho cái tên “sâm đất”. Củ khoai sau khi thu hoạch không chế biến ngay lập tức mà phải để cho ráo nước trong khoảng thời gian dài. Khi bảo quản, cần lưu ý không gian phải khô thoáng để khoai không bị mọc mầm bởi khoai mọc mầm ăn rất độc.
Khi khoai bắt đầu ráo gần hết nước, hết độ căng mọng, người ta sẽ đem khoai đi rửa sạch rồi luộc chín. Sau khi chờ khoai mềm thì cắt thành từng lát mỏng theo chiều dọc rồi đem đi phơi dưới ánh nắng thật to, đặc biệt là nắng ban trưa. Sau khi phơi nắng từ 10 đến 12 ngày, lát khoai sẽ khô lại và có màu cánh gián. Lúc này, bạn chỉ việc bảo quản ở nơi khô ráo và để dùng dần thôi. Là một món ăn không quá cầu kỳ về cả ngoại hình lẫn cách chế biến, tuy nhiên khoai deo lại làm cho những ai đã từng một lần nếm thử đều phải nhung nhớ mãi.
Khi thưởng thức khoai gieo, chắc hẳn mọi người sẽ có cảm giác vừa lạ vừa thân quen. Những ai mới thưởng thức lần đầu sẽ thấy quen với vị ngọt bùi của khoai lang. Nhưng khoai deo có độ dẻo và vị ngọt của tinh bột cô đặc hơn các loại chế biến khác. Độ dẻo của lát khoai deo dựa vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Người ta thường ăn khoai deo trực tiếp.
Người thưởng thức khoai deo thường chầm chậm nhai để cảm nhận được vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi. Cách thưởng thức đó phần nào biểu hiện cho tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn, bình dị. Những ngày thời tiết se lạnh, còn gì thích thú hơn là nhâm nhi khoai gieo cùng với chén trà nóng hổi. Vị ngọt bùi, dẻo thơm của khoai kết hợp với vị đắng nhẹ nhàng của trà tạo nên một dư vị khó quên!
Bánh tráng Tân An
Một món đặc sản nổi tiếng khác của Quảng Bình mà bạn nên thử chính là bánh tráng Tân An. Đây là đặc sản có lịch sử rất lâu đời, xuất hiện cách đây hơn 100 năm về trước bởi sự sáng tạo của người dân Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch – Quảng Bình). Nhắc đến làng Tân An, người ta nghĩ ngay đến bánh tráng Tân An, loại nguyên liệu đã làm nên món cuốn trứ danh của Quảng Bình.
Nguyên liệu chính làm bánh tráng phải là loại gạo ngon, được ngâm trong nước từ 3 – 4 giờ, vo kỹ, rồi đãi thật sạch. Sau đó, đem gạo xay nhuyễn thành bột, trộn với nước thành hỗn hợp sền sệt rồi trộn với mè đã xát vỏ. Độ ngon và vẻ ngoài bánh có hấp dẫn hay không phụ thuộc rất nhiều vào lớp mè đã xát vỏ. Nếu hỗn hợp giữa hạt mè trong bột nước nhiều quá thì chiếc bánh tráng làm ra không hài hòa giữa vị bùi ngậy của hạt mè và mùi thơm ngào ngạt của lúa gạo. Còn tỉ lệ mè trong bánh quá ít thì vẻ ngoài bánh không bắt mắt và còn ảnh hưởng hương thơm của bánh.
Sau khi trộn hỗn hợp bột và mè xong thì đem tráng mỏng, rồi phơi dưới nắng trên những chiếc phên đan bằng tre, nứa. Chờ tới khi bánh khô, người ta đem vào ủ lại cho mặt bánh phẳng rồi mới bóc khỏi phên và đóng gói, nhập cho các mối để bán trên thị trường. Quá trình làm bánh công phu là vậy, là sự đúc kết kinh nghiệm của người dân địa phương nên mỗi chiếc bánh là tâm tình và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nếu bạn có dịp đến với Quảng Bình, đừng quên mua thức bánh này về làm quà nhé!
Đẻn biển
Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách “thích mê” trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.
Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương.
Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món ngon từ đẻn biển. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn đã thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về.
Lẩu cá khoai
Quảng Bình có đặc sản gì ngon để tới thưởng thức khi có dịp đi khám phá vùng đất xinh đẹp này. Một gợi ý dành cho bạn chính là thưởng thức lẩu cá khoai. Nghe đến cái tên thôi là bạn có thể thấy được sự hấp dẫn nhường nào.
Lẩu cá khoai được chế biến từ loài cá khoai có xương mềm, thịt nhão tươi ngon, đánh bắt từ vùng biển Quảng Bình nên vô cùng đảm bảo chất lượng. Do đó, món này không những ngon mà còn giàu chất bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe thực khách. Trời se se lạnh thưởng thức một nồi lẩu cá khoai cùng bạn bè, người thân thì sẽ vô cùng ấm cúng. Một nồi lẩu được bán với mức giá 200.000 đồng.
Để làm nên món ăn đặc trưng này, cá khoai phải tươi và dày thịt để không bị nát, nước lẩu cũng phải có đầy đủ các nguyên liệu như nước cốt me, khế chua, măng chua, cà chua,… mới tạo nên hương vị ngọt chua đặc trưng. Đến Quảng Bình vào mùa đông thì đừng quên quây quần bên nồi nước lẩu nóng hổi và thưởng thức món lẩu cá khoai vô cùng thơm ngon nhé!
Cháo canh
Cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Sợi mì được làm khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi theo cách thủ công) nên sợi to và dày chứ không mềm, mỏng như bánh phở. Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua, chứ không sền sệt như tô bánh canh cua.
Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc… Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.
Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.
Ở TP Đồng Hới, cháo canh có thể ăn kèm với nem chả – dù hai thức này không hề ăn nhập với nhau. Sự kết hợp này có xuất xứ từ những người nông dân quê Mộ Trạch để thêm no bụng. Miếng nem chả giòn tan, thơm phức sẽ cuốn hút bạn thưởng thức, sau đó nhâm nhi nước dùng, rồi những miếng cá lóc còn nóng sốt.
Mực khô
Quảng Bình có đường bờ biển dài nên có rất nhiều loại hải sản phong phú. Du khách tới với Quảng Bình thì nhất định nên mua đặc sản hải sản khô về làm quà bởi hương vị đậm đà của nó. Trong đó mực khô là món ăn không thể thiếu khi thưởng thức đặc sản ngon Quảng Bình.
Mực khô được đánh bắt từ vùng biển Quảng Bình có thân dày và độ ngọt nhiều hơn hẳn so với mực ở các vùng biển khác. Có nhiều loại mực cho du khách lựa chọn như: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim,… Tùy theo sở thích du khách có thể lựa chọn bởi tất cả các loại đều rất ngon và mang hương vị riêng.
Mực tươi ngon được phơi khô dưới cái nắng tự nhiên có mùi thơm đặc trưng. Mực có màu đỏ hồng rất tự nhiên và ngon mắt. Khi nướng với cồn mực sẽ nở thành từng thớ thịt, dễ xé và vị rất đậm đà ăn ngon hết sẩy. Đây sẽ là món ăn được cánh mày râu cực kỳ yêu thích.
Đây chính là những món đặc sản Quảng Bình bạn và gia đình khi du lịch tới nơi đây nhất định phải thử. Chắc chắn hương vị thơm, ngọt đậm đà của những món ăn này sẽ khiến du khách nhớ mãi. Qbtravel.vn hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích về các đặc sản của Quảng Bình!