Lần đầu tiên 2.000 quả dừa sáp tươi Trà Vinh được xuất khẩu sang Úc Trà Vinh: Xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn VietGAP Trà Vinh công nhận thêm 28 sản phẩm OCOP |
Lẩu chua bần cá bông lau
Quả bần và cá bông lau là hai loại đặc sản dân dã nổi tiếng ở Trà Vinh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bần là loại quả mọc hoang hoặc được trồng ở vùng rừng ngập mặn, có vị chua nên thường được dùng để nấu canh. Cá bông lau thuộc họ cá da trơn, thịt thơm, ít béo; xuất hiện nhiều tại vùng cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) và cù lao Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh).
Để chế biến món lẩu chua bần cá bông lau, trước tiên, người ta làm sạch cá, ngâm nước ấm hoặc dấm cho hết nhớt rồi cắt cá ra từng khúc, thả vào nồi nước dùng cùng với trái bần. Khi nước vừa đủ độ ngọt của cá, vị chua thanh của trái bần, người ta thưởng thức cùng với các loại rau dân dã như bông điên điển, bông so đũa, bông súng, bông lục bình, cải trời, rau nhút (rau rút)...
Bánh canh bến Có
Bánh canh Bến Có là đặc sản gắn liền với địa danh ấp Bến Có (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Món ăn này có hương vị độc đáo nhờ những sợi bánh canh dai, giòn được làm từ gạo chọn lọc, cùng với nước dùng ninh từ thịt heo, xương ống trong nhiều giờ. Trong quá trình nấu, phải hớt bọt liên tục để nước dùng không bị đục, đồng thời cho thêm hành tây, hành tím và mực nướng để thêm phần thơm, ngọt. Bánh canh bến Có có giá, một khoanh giò heo, thịt nạc, lòng heo kèm một ít rau ghém, hành lá, hạt tiêu...
Địa chỉ để thưởng thức món bánh canh Bến Có nổi tiếng này là: Quán bánh canh Bến Có nằm trên quốc lộ 53, ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Từ lâu đây là địa điểm dừng chân của nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước.
Ngày nay, thương hiệu bánh canh Bến Có đã vươn ra các tỉnh miền Tây tới tận Tp. Hồ Chí Minh và tham dự vào các chương trình liên hoan văn hóa ẩm thực trong cả nước. Bánh canh Bến Có dần dần trở thành thương hiệu mà du khách khi đến Trà Vinh đều cố gắng để một lần được thưởng thức.
Bún nước lèo
Bún nước lèo là món ăn đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, đến nỗi giới “sành điệu” thường bảo nhau: “Chưa ăn bún nước lèo xem như chưa đến Trà Vinh!”. Bún nước lèo còn thể hiện sự giao lưu văn hóa, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc ở Trà Vinh. Bún nước lèo được chế biến từ mắm Pròhốc của người Khmer, có thêm món thịt heo quay của người Hoa.
Nguyên liệu chính để nấu món này là mắm bò hóc. Đây là loại mắm được làm từ nguyên liệu cá hỗn hợp. Mắm phải đạt các tiêu chuẩn, có hương vị và tan nhanh trong nước sôi. Để nước ngọt, người ta dùng thêm các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá ngát hay tôm, tép… Ăn bún nước lèo cần có rau ghém, gồm: bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo chiều ngang, trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa điều (còn gọi là đào lộn hột), có người còn thích băm một vài trái điều cho vào rau ghém để có vị ngon hơn. Bún nước lèo là món ăn bình dân mà lại mang đậm hương vị, nếu có dịp về Trà Vinh, mời bạn dừng chân tại một quán ăn nào đó bên đường và gọi một tô bún nước lèo để thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khác hẳn những loại bún thường ăn. Đó cũng chính là ấn tượng khó phai khi bạn tới thăm vùng đất này.
Canh xiêm lo
Món canh xiêm lo được biến tấu với khô cá |
Theo lịch sử hơn 100 năm thì nơi này bà con Khmer vùng đất Trà Cú (Trà Vinh) đa số họ sống ở vùng quê hẻo lánh. Nên mỗi lần họ đi làm ruộng về thì họ thường hái rau và bắt cá xung quanh nhà họ nấu loại canh này. Vì mỗi hộ gia đình đều có ruộng vườn, trong phum sóc ở vùng này rất phổ biến và được thiên nhiên ưu đãi các nguyên liệu trên. Nên nhà nhà đều biết nấu món này.
Canh xiêm lo là một trong những món ăn truyền thống của người Khmer. Nét độc đáo của món này được chế biến từ rau tập tàng, thịt (cá kèo, cá lóc, cá bông lau, lươn, thịt heo ba rọi…) Đặc biệt, một nguyên liệu không thể thiếu trong món canh xiêm lo là mắm bò hóc. Mắm bò hóc đã tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Khmer nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng. Món canh Xiêm Lo thường được dùng với cơm trắng và ăn kèm với món kho tiêu hay khô cá chiên mận.