Sơn La xây dựng thương hiệu để đưa nông sản vươn xa Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm Lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng thương hiệu ngành may mặc |
Huyện Cẩm Khê có địa hình và các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho sản xuất chuối. |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực gắn với sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng. Trong đó, những cây trồng được xác định là chủ lực như cây bưởi, cây chè, cây chuối đang được tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích để nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong đó, huyện Cẩm Khê có địa hình và các tiểu vùng khí hậu thuận lợi cho sản xuất chuối. Diện tích chuối toàn huyện hiện có gần 500ha, tập trung ở các xã như: Minh Tân, Hùng Việt và thị trấn Cẩm Khê. Diện tích chuối phân bố chủ yếu ở những vùng đất bãi ven sông, do đất đai mầu mỡ, có lượng phù sa bồi đắp hàng năm nên cây chuối sinh trưởng tốt, năng suất cao, thích hợp cho phát triển cả giống chuối tây, chuối tiêu cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Không chỉ ở huyện Cẩm Khê, nghề trồng chuối ở huyện Lâm Thao cũng đã có từ nhiều năm trước. Trên những vùng đất bãi ven bờ sông Hồng, người dân các xã Vĩnh Lại, Cao Xá, Bản Nguyên, Xuân Huy đã trồng và trở thành vùng chuối lớn nhất, nhì tỉnh Phú Thọ.
Đến nay đã có khoảng 300ha chuối tiêu xanh, tiêu hồng, chuối tây... trong đó hơn 200ha cho sản phẩm, năng suất trên 400 tạ/ha, sản lượng đạt gần 9.000 tấn. Bình quân mỗi năm Lâm Thao thu khoảng gần 10 ngàn tấn, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ nắm rõ thông tin thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhiều nông dân trồng chuối ở Lâm Thao trở nên giàu có.
Ông Nguyễn Bá Viên - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chuối xã Vĩnh Lại chia sẻ: “Gia đình tôi trồng năm hecta chuối, bao gồm cả chuối tiêu xanh truyền thống và chuối tây. Khi tham gia Tổ hợp tác, tôi được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chuối, trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng, giúp sản phẩm chuối Lâm Thao tiếp cận tới nhiều thị trường, góp phần thúc đẩy hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô ngày càng lớn, hình thành các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, phát triển thương hiệu “Chuối Lâm Thao” trở thành sản phẩm chất lượng, an toàn, đứng vững ở thị trường trong nước và thị trường tiềm năng Trung Quốc”.
Dán tem nhãn, đóng hộp sản phẩm chuối trước khi xuất khẩu tại điểm sơ chế chuối ở thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê. |
Năm 2023, để góp phần xây dựng thương hiệu chuối Phú Thọ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã triển khai mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chuối; Cụ thể, trên diện tích 40ha chuối tây tại thị trấn Cẩm Khê và xã Minh Tân.
Tham gia mô hình, các hộ dân, cơ sở sản xuất được hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng về quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh chuối, sơ chế, chế biến; hướng dẫn thiết lập vùng trồng đủ tiêu chuẩn được cấp mã số nội địa, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Mô hình đã hỗ trợ cơ sở xây dựng một điểm sơ chế, chuối sau thu hoạch được làm sạch theo quy trình, đóng gói, dán tem nhãn, đóng hộp quảng bá thương hiệu chuối Cẩm Khê. Mô hình chuối cho năng suất bình quân đạt 40,5 tấn/ha, tổng thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 190 triệu đồng/ha/năm.
Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm chuối Phú Thọ, ngành Nông nghiệp đang xây dựng vùng chuối sản xuất tập trung chuyên canh được ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Năm 2023, các mô hình trồng chuối VietGAP được triển khai trên diện tích 45ha ở hai huyện Cẩm Khê và Hạ Hòa. Tại các vùng trồng, các hộ dân đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất chuối và các vùng trồng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu, cán bộ kỹ thuật của Chi cục TT&BVTV tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn lập hồ sơ cấp mã số cho 24 vùng trồng chuối, tiến hành kiểm tra thực địa, hoàn thiện hồ sơ, cấp 24 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước cho toàn bộ 24 vùng trồng với diện tích trên 300ha.
Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn cấp và quản lý chín mã số vùng trồng cho tám vùng trồng chuối với diện tích gần 250ha phục vụ xuất khẩu đi thị trường EU, Trung Quốc. Cùng với tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua việc hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, hộp đựng sản phẩm; mời một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng chuối, thực hiện ký kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất, gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ chuối cho bà con.