Một số đặc điểm của cây thuốc dòi |
Cây thuốc dòi còn có tên gọi khác là: Cây bọ mắm, đại kích biển, bơ nước tương, thuộc họ tầm ma và có tên khoa học là: Pouzolzia zeylanica. Cây thuốc dòi thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt. Cây có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Việt Nam.
Thuốc dòi thuộc loại cây thân thảo, mọc sát nền đất. Cây có nhiều nhánh, toàn thân có lông. Lá cây thuốc dòi có màu xanh lục mọc so le với nhau. Lá của cây có hình trứng thon, nhỏ dần về phía đầu lá. Lá thường dài từ 4-9cm và có chiều rộng khoảng 2cm. Hoa của cây thường ra quanh năm, hoa nhỏ, nở thành từng chùm ở nách lá. Quả của cây có hình trứng nhọn, có khía dọc, chia thành múi.
Ở nước ta, cây mọc hoang ở khắp mọi miền tổ quốc. Hoặc hiện nay nhiều địa phương trồng cây này để thu hoạch làm dược liệu. Cây thuốc dòi có thể dùng toàn cây (thân, lá, hoa, nhựa cây) để làm thuốc hoặc dùng làm dược liệu trong chế biến thực phẩm và có thể thu hái cây thuốc dòi quanh năm để phục vụ hỗ trợ điều trị bệnh.
Theo y học cổ truyền, cây thuốc dòi có tác dụng chỉ khát, tiêu viêm, tiêu đờm. Cây thuốc dòi được dùng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh như: ho khan, ho dai dẳng lâu ngày, viêm họng, viêm phế quản.
Một số bài thuốc từ cây thuốc dòi đối với sức khỏe:
Hỗ trợ điều trị ho lâu ngày hoặc ho do lao: Sử dụng 40g cây thuốc dòi khô sắc với nước cho đến khi thành dạng cao lỏng. Sau đó thêm một chút mật ong vào cho dễ uống. Uống một ngày 3-4 lần, mỗi lần 10-15ml.
Hỗ trợ điều trị bệnh lao phổi: Đối với người bị bệnh viêm phổi, hãy lấy cả lá, hoa và thân của cây thuốc dòi, sau đó rửa sạch, giã nhuyễn hoặc nghiền nát với một ít muối. Lọc lấy phần nước cốt và dùng nó uống. Mỗi ngày uống 2-3 lần.
Hỗ trợ điều trị viêm mũi sưng đau: Sử dụng 15 - 20g lá cây thuốc dòi tươi, rửa sạch và ngâm với nước muối loãng, sau đó vớt lá ra cho vào cối giã với một ít muối chắt lấy phần nước cốt lá thuốc dòi, dùng bông thấm nước rồi thoa lên phần niêm mạc mũi bị viêm. Mỗi ngày thực hiện 3 – 4 lần cho đến khi triệu chứng viêm sưng mũi giảm.
Một số bài thuốc từ cây thuốc dòi |
Hỗ trợ điều trị viêm Amidan: Với người bị viêm amidan, chỉ cần lấy 10gr lá cây thuốc dòi, rửa sạch rồi nhau sống. Nuốt lấy nước khi nhai, bã ngậm ở trong miệng.
Giúp điều trị rong kinh: Với người bị rong kinh, chỉ cần lấy 30gr cây thuốc dòi khô cho vào sắc với 500ml nước. Chia nước thuốc thành 2 phần uống trong ngày. Thực hiện liên tục trong 1 tuần sẽ hết triệu chứng rong kinh.
Hỗ trợ điều trị chứng viêm ruột, kiết lỵ, viêm đường tiết niệu: Lấy 100gr lá cây thuốc dòi tươi, rửa sạch rồi giã nhuyễn. Cho thêm 250ml nước vào, rồi vắt lấy phần nước uống. Mỗi ngày uống 1 lần.
Điều trị tắc tia sữa, đái gắt, đái buốt: Sử dụng 30-40g cây thuốc dòi sắc uống mỗi ngày. Ngoài ra, cây thuốc dòi còn được kết hợp với những vị thuốc khác tạo ra những loại thuốc có công hiệu rõ rệt.
Chữa sâu răng: Nếu bị đau răng, chỉ cần hái một nắm lá cây thuốc dòi rửa sạch rồi cho vào miệng nhai trực tiếp. Mỗi ngày nhai 5 lần, nhai trong vài ngày sẽ có tác dụng tốt.
Giúp cô lập tế bào ung thư: Sử dụng cây thuốc dòi, cây công chúa lá rộng. Sau đó sắc nước uống mỗi ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng cây thuốc dòi:
Trước khi áp dụng các bài thuốc từ cây thuốc dòi người bệnh nên trao đổi với bác sĩ. Tùy vào cơ địa của mỗi người, các bài thuốc dân gian có thể không phát huy tác dụng hoặc gây dị ứng cho bệnh nhân.
Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng thường xuyên cây thuốc dòi. Loại dược liệu này có tính chất điều kinh, dễ gây sẩy thai
Trước khi dùng, bạn nên rửa sạch dược liệu để loại bỏ đất cát, các loại vi khuẩn bám trên thân cây, lá cây
Nếu nấu nước cây thuốc dòi uống để giải nhiệt, người dùng không nên lạm dụng bài thuốc này. Việc giải nhiệt, thanh lọc, lợi tiểu, dẫn đến tình trạng cơ thể dễ bị mất chất điện giải, khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải.
* Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên tham vấn ý kiến chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vào mục đích điều trị bệnh.