Thuốc Đông y: Hà thủ ô trắng - dược liệu quý giúp bổ can thận, dưỡng huyết Những tác dụng tuyệt vời từ cây Hà Thủ ô đối với sức khỏe Lợi ích "đáng quý" của hà thủ ô đỏ, dùng ra sao cho "tẫn" kỳ dụng |
Hà thủ ô có dạng thân leo và mọc khá um tùm |
Hà thủ ô là dược liệu quý được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta, chẳng hạn như Cao Bằng, Hà Giang,… Hiện nay, loại cây này cũng đang được trồng tại nhiều tỉnh thành phía Nam.
Đây là một loại cây dạng leo, lá thường có màu xanh đậm, rất um tùm. Cây có thể cho ra những chùm hoa trắng ở đầu ngọn. Rễ cây khi đã ăn sâu dưới mặt đất sẽ phát triển thành củ. Người dân thường sử dụng loại củ này để làm thuốc chữa bệnh.
Hai loại hà thủ ô phổ biến hiện nay là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Không chỉ khác nhau về màu sắc mà dược tính của các loại hà thủ ô này cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
Hà thủ ô đỏ: Được trồng phổ biến hơn và có dược tính cao hơn so với hà thủ ô trắng. Loại cây này có tính ôn, vị chát, ngọt và đắng. Bên ngoài củ hà thủ ô đỏ có màu nâu đen nhưng bên trong có màu đỏ sẫm.
Hà thủ ô trắng: Loại này mọc nhiều trong tự nhiên tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng, dược tính thường thấp hơn so với hà thủ ô đỏ nên ít được trồng rộng rãi. Bên ngoài củ của cây có màu xám trắng và bên trong ruột có màu trắng ngà.
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, đi vào 2 kinh Can và Thận. Hà thủ ô có tác dụng bổ gan, thận, làm mạnh gân cốt, nuôi dưỡng khí huyết, làm tóc đen. Loại củ này được ví là “thuốc tiên”, là cứu tinh của gan, thận.
BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho hay hà thủ ô là loại dược liệu quý có tên khoa học là Fallopia multiflora. Tuy nhiên, khi sử dụng hà thủ ô, cần sử dụng đúng cách mới có thể nhận được những lợi ích sức khỏe từ loại dược liệu này.
Hà thủ ô có hai loại: đỏ và trắng. Hàm lượng dinh dưỡng và dược tính của loại đỏ sẽ cao hơn so với với hà thủ ô trắng.
Theo y học hiện đại, hà thủ ô có tác dụng giảm cholesterol trong máu, nhuận tràng, bổ tim, bổ thần kinh, bổ toàn thân, chữa các chứng bệnh tăng cholesterol máu, mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực…
Bác sĩ Vân cho biết, trong hà thủ ô có anthraglycosid. Dược liệu này có tác dụng co bóp và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời phòng chống táo bón rất hiệu quả. Bên cạnh đó, hà thủ ô còn có chứa anthraquinon giúp nhuận tràng.
Hà thủ ô còn được biết tới với công dụng nổi bật chữa rụng tóc, tóc bạc sớm. Theo các bài thuốc dân gian, khi dùng hà thủ ô trong 1- 2 tháng sẽ cải thiện rõ rệt tình trạng rụng tóc. Bên cạnh đó, những người tóc bạc sớm cũng có thể sử dụng hà thủ ô để khắc phục tình trạng này.
Theo bác sĩ Vân, trong hà thủ ô có chứa lecithin. Đây là một dưỡng chất có thể sinh dịch huyết và chống suy nhược thần kinh. Dùng hà thủ ô còn giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu và tình trạng suy nhược cơ thể. Người sử dụng hà thủ ô sẽ có cảm giác ăn ngon, ngủ ngon, hệ tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng và cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Các nghiên cứu còn chỉ ra hà thủ ô có chứa stilbene. Loại hợp chất này có tác dụng tăng cường thải độc gan và bảo vệ gan. Ngoài ra, hà thủ ô còn có chứa một số thành phần giúp tăng cường chức năng gan.
Chất resveratrol trong hà thủ ô cũng chính là một hoạt chất có tính kháng khuẩn và chống viêm rất hiệu quả.
Cũng theo bác sĩ Vân, dùng hà thủ ô giúp tăng hoạt động estrogen – một loại hormone quan trọng ở nữ giới. Vì vậy, dược liệu này rất tốt cho những trường hợp tiền mãn kinh.
Còn theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, hà thủ ô là một dược liệu quý tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng khi dùng. Người bị cảm phong hàn (cảm lạnh), người bị tỳ hư (tiêu hoá kém), ỉa chảy không nên dùng hà thủ ô.
Theo Đông y, khi dùng hà thủ ô nên kiêng ăn tiết canh, thịt tái, củ cải, tỏi và hành.
Một số bài thuốc hay từ hà thủ ô
Hà thủ ô có nhiều công dụng, rất tốt cho sức khỏe |
Bài thuốc chữa thận yếu, thận hư ở nam và nữ: Hà thủ ô 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g. Đem hỗn hợp này đi sắc thành thuốc, mỗi ngày uống 2 lần sẽ giúp bổ thận, ích tinh, điều trị huyết trắng, khí hư, di tinh, đau lưng, thận yếu ở nam và nữ giới.
Chữa chứng yếu sức, thiếu máu, yếu thận, khó có con: Hà thủ ô 10g, ngưu tất 6g, câu kỷ tử 6g, phá cố chỉ 4g, bạch linh phục 4g, dương quy 6g, thổ ty tử 4g. Tất cả các dược liệu trên luyện với mật ong vo thành viên, mỗi viên 0,5g, uống ngày 3 lần, mỗi lần 50 viên.
Chữa tóc bạc sớm, mất ngủ, lo âu: Hà thủ ô đỏ 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Đem hỗn hợp này đi sắc thành thuốc, chia làm 2 lần uống trong ngày sẽ giúp bổ khí huyết, an thần, giúp phòng ngừa tóc bạc sớm.
Lưu ý trong quá trình sử dụng hà thủ ô
Hà thủ ô có hai loại đỏ và trắng |
Nên kiêng 3 thực phẩm có màu trắng khi dùng hà thủ ô là củ hành, củ tỏi, củ cải,… Ngoài ra bạn cũng nên kiêng gừng, ớt và hạt tiêu,… vì đây đều là những loại gia vị có tính nóng, dẫn tới phân tán hết những dinh dưỡng từ loại thảo dược này và cuối cùng là ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.
Thông thường nếu muốn đen tóc, bạn cần kiên trì uống hà thủ ô trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên thời gian này còn có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người bệnh khác nhau. Do đó, cần sử dụng thuốc đều đặn, kiên trì.
Hà thủ ô có tính ôn nên khi uống bản sẽ có cảm giác hơi nóng trong. Đó cũng chính là lý do vì sao không nên kết hợp hà thủ ô với những thực phẩm có tính nóng.
Một số đối tượng không nên dùng hà thủ ô là người đang điều trị ung thư, người có vấn đề về hệ tiêu hóa, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và phụ nữ vừa trải qua sinh nở.
Hà thủ ô là một loại dược liệu vô cùng quý nhưng cần dùng đúng cách mới có hiệu quả cao. Ngược lại, việc sử dụng sai cách có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Do đó, bạn cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.