Nuôi kiến cảnh làm thú cưng vừa vui lại kiếm tiền rủng rỉnh Người phụ nữ vùng cao nuôi gà Mông đen, ai cũng mê vì gà thơm ngon Nuôi heo đen đặc sản, người dân Sơn Điền ung dung không lo đầu ra |
Các thành viên trong Hợp tác xã Heo rừng Buôn Đôn có nguồn thu ổn định từ mô hình chăn nuôi heo rừng lai. |
Bỏ hồ tiêu, nuôi heo rừng lai
Năm 2014, cây hồ tiêu không còn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Văn Phóng ở thôn Ea Duất (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế bằng cách mua 10 con heo rừng lai tại TP. Buôn Ma Thuột về nuôi theo hướng thương phẩm. Sau một thời gian chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, bán được giá, ông mạnh dạn nhân rộng mô hình chăn nuôi heo rừng lai.
Trang trại của ông Phóng rộng hơn 5.000 m2, nuôi 200 con heo rừng lai, trong đó có 40 heo nái còn lại là heo thịt và heo con; trung bình mỗi năm một heo nái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 con. Nuôi heo rừng nái lai không quá khó lại không mất nhiều công chăm sóc. Heo con sau khi sinh ra chỉ cần tách ra chuồng riêng, bổ sung thức ăn cám công nghiệp (cám tập ăn dành cho heo con) trong vòng 10 ngày để kích thích tăng trưởng, tiêu hóa tốt, sau đó chuyển qua ăn cám thường và rau cỏ.
Mô hình chăn nuôi heo rừng lai của gia đình ông Nguyễn Văn Phóng (thôn Ea Duất, xã Ea Wer). |
Thức ăn cho heo rừng lai chủ yếu là rau, củ, quả, cám ngô, cám gạo nên chi phí thức ăn thấp. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, ông Phóng trồng thêm ổi, ngô và các loại rau. “Heo rừng lai có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, để đàn heo phát triển tốt heo phải được tiêm vắc xin đầy đủ, có sổ ghi chép theo dõi. Chuồng trại xa khu dân cư, cao ráo, thoáng gió...”, ông Phóng chia sẻ.
Trung bình mỗi lứa heo thịt ông Phóng nuôi khoảng 7 - 8 tháng, mỗi con nặng 25 - 30 kg là xuất bán với giá 150 nghìn đồng/kg; còn heo giống được người dân đến tận trang trại mua với giá 3 triệu đồng/cặp (mỗi con nặng từ 5 - 7 kg). Dù heo thịt hay heo giống đầu ra đều thuận lợi, vì vậy ông Phóng dự tính mở rộng diện tích chuồng trại lên 15.000 m2 để tăng quy mô chăn nuôi.
Có HTX không lo đầu ra
Ngoài ông Phóng, tại thôn Ea Duất còn có nhiều hộ chăn nuôi heo rừng lai nhỏ lẻ như hộ ông Phạm Như Oai, Đào Thanh Quý… Với tham vọng đưa heo rừng lai tiếp cận được thị trường lớn, tháng 5-2021 ông Phóng cùng 6 hộ chăn nuôi trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) Heo rừng Buôn Đôn, do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, với vốn điều lệ 300 triệu đồng.
Đều là người chí thú làm ăn, các thành viên HTX không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăn nuôi heo rừng qua tài liệu, các chuyến tham quan thực tế tại một số trang trại chăn nuôi heo rừng lai quy mô lớn. Nhờ đó đã áp dụng thành công vào đàn heo của nhà mình. Gần đây, không ít trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn khốn đốn với dịch tả heo châu Phi, nhưng đàn heo rừng lai của các thành viên HTX đều phát triển khỏe mạnh.
Việc chăn nuôi heo rừng lai hiện tại ổn định, nhưng nếu mở rộng quy mô sẽ khó khăn về đầu ra, chính vì vậy HTX heo rừng Buôn Đôn đã ký kết với HTX chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) trong việc cung ứng, bao tiêu sản phẩm heo rừng lai cho thành viên HTX. Đồng thời, đăng ký với Phòng NN - PTNT huyện Buôn Đôn hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, mã QR cho sản phẩm heo rừng lai của HTX.
Trang trại chăn nuôi heo rừng lai phải xa khu dân cư, cao ráo, thông thoáng. |
Các thành viên đều tự đầu tư trồng ngô, cỏ voi… để có nguồn thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn heo. Nhờ vậy khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc phát triển chăn nuôi của HTX không bị ảnh hưởng. HTX thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, giúp con giống phát triển khỏe mạnh, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
Trung bình mỗi năm HTX bán khoảng 1.500 - 2.000 con heo giống, với giá hơn 1,5 triệu đồng/con, đã mang lại nguồn thu lớn và lợi nhuận cao cho các thành viên HTX. Nhờ liên kết phát triển sản xuất, việc chăn nuôi của HTX rất thuận lợi, đáp ứng được những đơn hàng lớn cho khách hàng, từng bước xây dựng được uy tín, thương hiệu và trở thành địa chỉ tin cậy về con giống chất lượng được nhiều người biết đến.
Chăn nuôi heo rừng lai đang mở ra hướng đi hiệu quả cho chăn nuôi nông hộ. Đặc biệt, người dân đã chủ động liên kết để được hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nhờ đó, chất lượng heo rừng thương phẩm được nâng cao, thị trường được mở rộng./.