Nước gừng sả từ trước đến nay được xem là rất tốt cho hệ miễn dịch cơ thể. Tuy nhiên, cách sử dụng loại nước này như thế nào cũng như uống nước sả gừng mỗi ngày có tốt không vẫn là một vấn đề cần được làm rõ.
Tác dụng của nước gừng sả
Nước sả gừng được làm từ nguyên liệu tự nhiên đó là chanh, sả và gừng với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:
Sả: Sả là loại gia vị cay, có thể giúp cơ thể ra nhiều mồ hôi, bụng được làm ấm, tốt cho hệ tiêu hóa, chống nôn, khử mùi, sát khuẩn và quan trọng nhất là giúp giải độc cơ thể.
Gừng: Gừng thường được dùng như một loại gia vị để chế biến một số món ăn, thức uống bổ dưỡng cho cơ thể. Gừng có thể giải cảm, giảm đau đầu, chống nôn, tốt cho hệ tiêu hóa. Gừng được khuyên là nên dùng vào buổi sáng và hạn chế dùng vào buổi tối vì sẽ khiến chúng ta khó ngủ hơn.
Nước gừng sả thường được dùng để tăng sức đề kháng, giảm cân, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ điều trị huyết áp thấp.
Gừng, sả,… là gia vị không thể thiếu hàng ngày nhưng nó cũng là vị thuốc. Bài thuốc gừng, sả, mật ong của Đông y được sử dụng trong khi điều trị cảm cúm, ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết. Các bài thuốc này có tinh dầu giúp ra mồ hôi nên cũng dùng trong điều trị cảm mạo.
Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng nước gừng sả thường xuyên và những đối tượng sau không nên dùng hỗn hợp này.
Những người không nên dùng nước gừng sả
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 chia sẻ trên Vietnamnet, ông đã gặp nhiều bệnh nhân đau bao tử, đau bụng do nhiệt vì làm ấm cơ thể bằng nước gừng sả.
Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Thái Thanh Trúc (29 tuổi, TP.HCM) tìm tới bác sĩ khám vì triệu chứng đau nóng ở xương ức, có lúc đau cứng bụng.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, thời gian gần đây do nhiệt độ thay đổi, cơ thể chịu lạnh kém nên sau khi thức dậy, chị thường xuyên uống nước nấu từ gừng, sả, mật ong. Tuy nhiên, sau hai tuần uống loại nước này, tình trạng cơ thể không thay đổi, thậm chí phần bụng còn xuất hiện cảm giác cứng, khó chịu, vùng thượng vị nóng rát.
Theo bác sĩ Vũ, người dân chỉ nên dùng một lượng nhỏ nước gừng, sả và dùng trong 7 ngày, không thể coi đó là thức uống hàng ngày. Bởi việc sử dụng quá nhiều loại thức uống này sẽ có thể làm hại cơ thể.
Cụ thể, tính cay nóng của gừng tác động đến dạ dày và tiêu hóa, đôi khi khiến bạn bị táo bón, cảm giác nóng rát hậu môn khi đại tiện. Tương tự, sử dụng quá nhiều sả như nấu thành nước uống thay nước lọc sẽ làm tăng cảm giác nóng vùng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản, xuất hiện nhiều ghèn ở hai mắt.
Trong Đông y, bài thuốc gừng sả có tính nóng nên những người cơ địa nhiệt cũng không nên uống loại nước này. Các trường hợp này thường có xu hướng béo, sợ nóng, da nóng, bốc hỏa, hay bị khát nước và thích uống nước mát, ra nhiều mồ hôi.
Về mùa lạnh, những người thường bị tình trạng lạnh bụng, khó tiêu, có thể sử dụng gừng tươi để điều trị. Vị thuốc này có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, trào ngược dạ dày, buồn nôn, giúp tăng cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, người dân không nên sử dụng quá 5 gram/ngày. Đặc biệt, những người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ không dùng gừng.
Lưu ý đối với người bị đái tháo đường cần hạn chế sử dụng bởi loại nước này dễ làm tăng cảm giác khát dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết.