Trong mâm cơm truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt, ngoài bánh chưng, nem, giò chả, thịt đông… thì những đồ ăn kèm cũng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, bổ trợ tốt cho hệ tiêu hóa. Chẳng hạn như các món dưa, cà muối, hành tỏi muối chua hay tôm nõn củ kiệu.
Dưa muối, hành muối, củ kiệu muối... là các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết |
Theo y học cổ truyền, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng làm ấm, tán khí kết, khỏi đầy hơi, bổ thận khí, mạnh dương, lợi tiểu. Củ kiệu giã dập vắt lấy nước uống hoặc đắp ngoài có tác dụng giảm đau, làm ấm bụng, chữa viêm mũi mãn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, chữa phỏng nhẹ (không bị tuột da), chữa đau bụng, tức ngực khó thở, sản phụ bị kiết lỵ, bổ khí, điều hòa nội tạng, tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh, phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng và hỗ trợ điều trị ung thư (phổi, dạ dày, tuyến vú).
Các loại dưa như hành củ, kiệu muối,… có vị chua ngọt rất dễ ăn. Nó có tác dụng giảm ngấy, kích thích vị giác ngon miệng hơn khi ăn những món ăn béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng… Chất xơ trong dưa món, củ kiệu còn có khả năng chống béo phì, cải thiện sự bài tiết cholesterol.
Tuy nhiên, dưa hành, củ kiệu nếu không biết sử dụng đúng cách, đúng đối tượng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh cho sức khỏe.
Dưa hành, củ kiệu nếu không biết sử dụng đúng cách, đúng đối tượng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh cho sức khỏe. |
Một số người cho rằng, ăn nhiều dưa hành,củ kiệu muối sẽ gây đau nhức khớp, tuy nhiên, tác dụng phụ này chủ yếu do các chất phụ gia dùng để tẩy trắng kiệu khi ngâm. Vì vậy, khi chọn thực phẩm để muối chua, bạn nên chọn củ tươi nguyên, tránh dập nát, không sử dụng các chất phụ gia tẩy trắng không an toàn để làm trắng thực phẩm.
Đối với những người mắc bệnh dạ dày, vì trong các món dưa muối trải qua quá trình lên men nên chứa nhiều axit, khi ăn nhiều dạ dày sẽ tăng tiết dịch vụ, axit gây ảnh hưởng đến niêm mạch bên trong, khiến các vết viêm, loét nặng hơn.
Với người mắc bệnh thận, tăng huyết áp, do các món muối chua thường sử dụng lượng muối lớn để chế biến, vì vậy, những người mắc bệnh thận hoặc tăng huyết áp nếu ăn quá nhiều sẽ nạp lượng lớn natri, làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, bệnh nhân bị suy thận có khả năng đào thải natri kém, nếu ăn các món này sẽ làm ứ đọng muối trong cơ thể, gây phù và tăng huyết áp.
Những người mắc các bệnh về thận nên hạn chế ăn các món dưa muối, hành muối... |
Với phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ cũng cần hạn chế ăn dưa hành, củ kiệu muối… Vì khi mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ bầu vô cùng nhạy cảm, ăn các món muối có thể làm kích thích, tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn, gây phù, nhiễm độc thai nghén.
Người cao tuổi và người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, ăn dưa hành, củ kiệu muối… dễ khiến đường huyết, huyết áp biến động. Chỉ nên ăn các món lên men được chế biến cẩn thận, độ chua ngọt vừa phải, không dùng các chất phụ gia tẩy trắng và theo dõi đường huyết, huyết áp định kỳ.
Trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi cũng không nên ăn dưa hành, củ kiệu muối. Ở độ tuổi này, chức năng thận, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh nên việc ăn nhiều đồ muối cũng ảnh hưởng đến việc đào thải muối ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, trong quá trình muối dưa, muối hành, củ kiệu… các bà nội trợ cũng cần lưu ý không để dưa bị nổi váng hoặc mốc đen. Vì những vi nấm trong các loại thực phẩm bị mốc đó có một số loại nấm gây hại như aspergilus flavor. Vi nấm này sản sinh ra một độc tố là aflatocin.
Theo các tài liệu nước ngoài thì về lâu dài aflatocin có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác.
Vì thế, đối với hành củ, kiệu bị mốc nổi váng trắng thì có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm rửa sạch để ăn. Còn khi đã bị mốc nổi váng đen thì tốt nhất không nên ăn.
Theo các chuyên gia, trong dịp Tết Nguyên đán, các gia đình nên duy trì những món ăn truyền thống để giữ trọn hương vị ngày Tết. Tuy nhiên, khi lựa chọn thực phẩm, chế biến và sử dụng cần cẩn trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thân trong gia đình.