Những lá cây tưởng bỏ đi bất ngờ biến thành đĩa lá ép rất tiện dụng và thân thiện môi trường. |
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu thiên nhiên
Dọc bờ biển Nam Trung bộ, cây tra được trồng khá phổ biến, lá xanh quanh năm, chịu được môi trường biển, chịu gió mặn, nắng nóng, cây và quả, tán lá hao hao cây bàng.
Một dự án táo bạo vừa được anh Nguyễn Văn Tuyến (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) và chị Vũ Thị Thu Hà (người khởi xướng chương trình “1 tỷ cây xanh”, hiện đang sở hữu hệ thống homestay, farmstay tại Phú Yên) đang thực hiện, đó là ép lá tra thành các sản phẩm độc đáo.
Anh Tuyến vốn được biết đến là người ép mo cau thành các sản phẩm gia dụng hữu ích như đĩa, khay, thân thiện với môi trường. Từ thành công với mo cau, anh Tuyến và chị Hà đã thực hiện thành công với thử nghiệm đưa lá tra vào máy ép nhiệt để tạo nên những chiếc đĩa nhỏ xinh.
Những chiếc đĩa lá ép được tạo hình hấp dẫn. |
Với mỗi chiếc lá tra, sau khi đưa vào máy ép nhiệt sẽ tạo ra được một chiếc đĩa hình chiếc lá. Những chiếc đĩa này có thể dùng để đựng các loại hạt, bánh kẹo, salad, đồ ăn,… thay thế cho những chiếc đĩa bằng xốp nhựa dùng một lần.
Hiện nay, cơ sở chế biến của anh Nguyễn Văn Tuyến xuất bán ra thị trường khoảng 50.000 – 60.000 sản phẩm từ mo cau. Nhờ kinh nghiệm từ chế biến sản phẩm từ mo cau bằng chiếc máy ép nhiệt, việc sáng tạo thêm những sản phẩm từ lá tra không phải là quá khó. Ngoài việc chào bán sản phẩm tại thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi đang tập trung hái lá, phơi khô sau đó rửa sạch, ép nhiệt và khử khuẩn để tạo thành những chiếc đĩa. Lá được chọn phải là những chiếc lá già hoặc lá bánh tẻ mới cho ra sản phẩm tốt nhất”, chị Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.
Việc chọn lá để ép thành đĩa cũng khá cầu kỳ. |
Chị Hà cho biết, lô hàng đầu tiên gồm 7.000 chiếc đĩa làm từ lá tra đã được xuất khẩu sang Ba Lan với giá 2.000 đồng/chiếc. Mỗi chiếc lá được thu mua lại từ người dân bản địa với giá 200 đồng/lá. Sau khi phơi khô, rửa sạch và làm ra thành phẩm, chi phí nhân công khoảng 400 đồng/cái, chưa tính tiền điện, tiền đầu tư máy ép thủy lực với giá 120 triệu đồng/máy.
Sau thành công với chuyến hàng đầu tiên được gửi đi chào hàng tại Ba Lan, chị Hà đã nhận được đề nghị gửi mẫu và quy trình sang Nhật Bản, một thị trường tiềm năng cho sản phẩm thân thiện với môi trường. Được biết, ngoài những chiếc đĩa hình tim, dự án còn tạo thêm các loại đĩa khuôn được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.
Thị trường rộng lớn nhưng lo thiếu lá cây
Sản phẩm đĩa lá tra của anh Tuyến và chị Hà đã được xuất khẩu đi ở nhiều nước Châu Âu. Sắp tới đây sẽ là xuất khẩu đi Mỹ với số lượng 30.000 chiếc.
Đó là điều chị Hà đúc kết được khi chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân mình. Chị kể, khó khăn không đến từ thiết bị máy móc. Máy móc được chị đặt từ năm 2021, đến tháng 6/2022 thì được lắp đặt và đi vào hoạt động. Mặc dù tốn một thời gian dài chờ đợi máy nhưng thật sự đó không phải vấn đề.
Do nhu cầu tiêu thụ đĩa lá ép cao nên hiện nguồn cung lá tra không đủ. |
Vấn đề ở đây phải kể đến là nguồn nguyên liệu - những chiếc lá tra. Chị kể, trước đây Phú Yên có rất nhiều cây tra, nên sản lượng lá rất dồi dào. Tuy nhiên, những năm gần đây, một nhóm người đã đến và thu mua cây tra dẫn đến nguồn lá bị thu hẹp.
Do đó, hiện tại đĩa lá ép chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, còn xuất khẩu nước ngoài vẫn còn hạn chế. Chị cho biết, trong tương lai, nếu muốn mở rộng sản xuất, chị phải trồng cây tra và đợi từ 2-5 năm để được thu hoạch.
Ngoài ra, đầu mục ngốn nhiều chi phí nhất vẫn là nhân công bởi theo chị, sản phẩm đĩa lá ép này gần như là sản phẩm thủ công. Bà con địa phương phải đi nhặt lá, rửa lá, phơi lá,... hoàn toàn thủ công, máy chỉ hỗ trợ công đoạn ép.
Ngoài ra, đối với mỗi chiếc lá cũng cần phải được điều chỉnh thủ công cho phù hợp. Ví dụ nếu lá quá khô thì người thợ phải điều chỉnh máy ở nhiệt độ ẩm phù hợp để tránh lá bị nứt vỡ. Bởi thế mà chị Hà ví von những người thợ của mình như những người thợ thủ công.
Những chiếc đĩa lá ép rất tiện dụng và giá thành phù hợp nên dễ tiếp cận khách hàng. |
Bởi những lý do trên mà giá cả của đĩa lá ép không thể so sánh với những sản phẩm đĩa nhựa dùng một lần. Hiện nay mỗi chiếc đĩa chị Hà sản xuất ra sẽ có giá bán lẻ trong nước là 2.300 - 2.500 đồng với đủ kích thước, còn xuất khẩu sẽ có giá từ 2.500 đồng, trong khi đĩa đựng pizza với kích thước lớn hơn sẽ có giá từ 2.800 - 3.000 đồng/chiếc.
Khi mua sỉ từ 1.000 chiếc sẽ có giá 1.800 đồng/chiếc - tức là tương đương đĩa giấy bán ở siêu thị. Với mức giá này, chị mong sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chị Hà cũng chia sẻ, ngoài lá tra, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng đĩa lá ép nên tìm hiểu kỹ. Các bạn có thể chọn bất cứ loại lá gì, lá gỗ tếch hay lá sen chẳng hạn, nhưng quan trọng là đảm bảo nguồn nguyên liệu và nhân công. Nếu không, sẽ rất khó có lợi nhuận từ những sản phẩm thiên nhiên, bởi bản chất của chúng là sản phẩm thủ công./.