Sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam tăng vọt gấp trên 100 lần. |
Sầu riêng Thái Lan bùng nổ xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng và sầu riêng đông lạnh của Thái Lan đạt tổng giá trị 63.627 triệu baht (hơn 1,8 tỷ USD), tăng 166% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Thái Lan là Trung Quốc với trị giá 62.068 triệu baht (1,76 tỷ USD), tăng 170% so với năm ngoái, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc), tổng trị giá 941 triệu baht (gần 26,7 triệu USD), tăng 77% và Đài Loan (Trung Quốc), trị giá 198 triệu baht (5,6 triệu USD), tăng 36%.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 10 với tư cách là thị trường xuất khẩu của Thái Lan với giá trị 16,25 triệu baht (460.000 USD, khoảng 10,8 tỷ đồng), mức tăng lên đến 10.769% .
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Việt Nam tăng đột biến.
Thứ nhất, mặc dù khối lượng vẫn còn tương đối thấp, các thương nhân Thái Lan đang có xu hướng chuyển trọng tâm xuất khẩu qua Việt Nam như một cửa ngõ để vào Trung Quốc, đi qua các cửa khẩu như You Yiguan, Dongxing và Ping Qian.
Theo trang Khaosod, tuyến đường xuyên biên giới này đang được sử dụng rộng rãi bởi hàng xuất qua Việt Nam nhiều khi không cần trung gian vì được coi là hàng xuyên biên giới, không tính thuế và chỉ mất phí biên mậu.
Nguyên nhân thứ 2 chính là việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng Thái Lan tại Việt Nam đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2023. Theo nhiều đầu mối kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM, sầu riêng Thái Lan xuất vào Việt Nam có đến 5-6 chủng loại khác nhau, giá bán cao hơn 2-5 lần so với sầu riêng nội những vẫn đắt khách.
Trong số này, loại sầu riêng đắt đỏ nhất là Black Thorn (gai đen), thường được trồng ở vùng Chanthaburi, miền đông Thái Lan với giá bán 600.000-900.000/kg.
Không chỉ tập trung chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan cũng đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vũng thị phần tại các thị trường truyền thống. |
Sanchai Puranachaikiri, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu và thương mại trái cây Thái Lan cho hay xuất khẩu sầu riêng của nước này dự kiến tăng 50% trong năm nay. Trong khi đó, ông Keerati Rushchano, Thư ký thường trực của Bộ Thương mại Thái Lan tỏ ra thận trọng hơn khi khẳng định xuất khẩu sầu riêng (cả tươi và đông lạnh) đã tăng hơn 100% trong 4 tháng đầu năm nhưng xu hướng trong nửa cuối năm vẫn chưa thể đánh giá do sản xuất ở khu vực phía Đông đã gần như hoàn tất.
Thái Lan nâng chất sầu riêng, khai thông lộ trình xuất khẩu
Sự đổ bộ của sầu Việt vào thị trường Trung Quốc khiến người Thái bất an. Tháng 3, khi chính thức bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, Thái Lan quyết định nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái.
Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, chất khô trong quả tăng thì nước ít đi. Như vậy quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Đây là một động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Nước này cũng mở tuyến vận chuyển đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc để đưa sầu riêng sang Trung Quốc trong khoảng thời gian nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.
Theo Terapong Techasathian, trợ lý Giám đốc Điều hành tại Pan-Asia Silk Road Ltd (PAS), ngày 23/4, công ty đã lập kỷ lục khi vận chuyển 25 container sầu riêng từ Thái Lan đến Trung Quốc qua tuyến Map Ta Phut - Quảng Châu. Chuyến tàu đến đích trong 4 ngày rưỡi, nhanh hơn dự tính ban đầu là 6 ngày.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaiisri cho hay, quốc gia này đã xuất khẩu 470 ngàn tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tăng vọt là nhờ việc khai thác tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung nằm trong hành lang thương mại biển - đất liền quốc tế mới.
Nhờ đó, giảm thời gian vận chuyển trái cây sang Trung Quốc từ 8-10 ngày xuống chỉ còn hơn 4 ngày, vừa giảm được giá thành lại hạn chế tối đa hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Thái Lan nâng tiêu chuẩn sầu riêng và khai thác hiệu quả việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt cao tốc để rút ngắn thời gian, tạo ưu thế vượt trội. |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giúp Thái Lan thu về khoảng 3,5 tỷ USD năm ngoái. Song, Thái Lan cũng chịu áp lực khi sầu riêng Việt thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.
“Mình có lợi thế về vị trí địa lý nên đưa sầu riêng sang Trung Quốc chỉ mất 1,5 ngày. Nhưng nay Thái Lan cũng rút ngắn còn 4 ngày chứng tỏ họ rất cố gắng để tăng tính cạnh tranh với hàng Việt”, ông nói.
Theo ông Nguyên, vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt với Thái Lan là ưu việt vì tiết kiệm được thời gian và chi phí. Còn với Việt Nam, đường bộ có ưu thế hơn do chi phí đầu tư container lạnh thấp hơn so với đường sắt (đầu tư container lạnh và máy phát điện đi kèm). Thế nên, đi đường bộ một ngày có thể huy động vài trăm container lạnh vận chuyển sầu lên các cửa khẩu phía Bắc xuất sang Trung Quốc một cách dễ dàng, nhưng với đường sắt thì việc làm được như vậy là quá khó.
Ông nhìn nhận, sức tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng mạnh, dự báo lên 2 triệu tấn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với đó, cuộc đua đưa loại quả này vào Trung Quốc cũng khốc liệt hơn, bởi không chỉ có Thái Lan, sầu riêng Việt còn phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Malaysia, Philippines.
Ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng sầu riêng để xuất khẩu, Việt Nam cũng đang là thị trường tiềm năng để Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Việt Nam còn rất lớn và sự phủ sóng ngay trên sân nhà của trái sầu riêng vẫn còn nhiều dư địa./.