![]() |
Nhà vườn phấn khởi vì sầu riêng được mùa bán với giá cao. |
Thiếu thông tin về quy hoạch và thị trường, nhà vườn vẫn ồ ạt trồng sầu riêng
Từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình xuất khẩu trái cây đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại tỉnh Lạng Sơn, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết mỗi ngày có hơn 300 xe hàng đổ lên cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, trong đó xe chở trái vải chiếm tỷ lệ lớn vì đang vào mùa và ưu tiên tiêu thụ do thời gian bảo quản ngắn, tiếp đến là xe chở sầu riêng. Nhưng trái ngược với sản lượng tăng, giá bán sầu riêng đang giảm mạnh. Nhiều thương lái trót chốt với nhà vườn giá thu mua xô đến nay đang méo mặt vì thua lỗ. Mặc dù vậy, nhà vườn vẫn đang tìm cách mở rộng diện tích sầu riêng bất chấp loại cây này phải mất ít nhất 4 năm mới cho quả.
Sau khi gây sốt tại Tây nguyên và các tỉnh ĐBSCL, diện tích trồng sầu riêng đã lan tới những nơi khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp. Tại tỉnh Bình Thuận, mặc dù trước đây nổi tiếng với điều, thanh long nhưng những năm gần đây, cây sầu riêng bắt đầu gia tăng hiện diện.
Tại Đức Linh, cây sầu riêng phát triển ở Đa Kai, Mê Pu hơn 1.200 ha; tại Hàm Thuận Bắc, xã Đa Mi có khoảng 1.000 ha cây sầu riêng. So với sầu riêng ở Đa Kai, Mê Pu và Đa Mi, cây sầu riêng hình thành ở Tà Pứa (xã Đức Phú), thôn Đa Mi (xã La Ngâu) thuộc Tánh Linh muộn hơn, với diện tích hơn 200 ha. Đó là diện tích bề nổi, chứ diện tích thực tế còn cao hơn nhiều. Nhìn chung, cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng những vùng được đề cập ở trên cho ra sản phẩm đạt chất lượng lẫn mẫu mã.
![]() |
Theo dự báo trong năm 2023, sản lượng sầu riêng VN đạt khoảng 1 triệu tấn. |
Chính vì cây sầu riêng mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng, không ít người đã phá bỏ cà phê, tiêu, xoài Đài Loan để trồng cây sầu riêng. Chị Nguyễn Thị Ngần (ở xã Đa Mi, H.Hàm Thuận Bắc) phá bỏ hơn 3 ha cây xoài Đài Loan thay bằng trồng cây sầu riêng. "Từ năm 2021 đến đầu năm 2022, xoài Đài Loan rớt giá thảm hại, loại tốt 1.500 đồng/kg, thương lái không mua loại xấu mã. Vì thế, tôi trồng cây sầu riêng thay cho xoài, với hy vọng giá cả ổn định", chị Ngần cho biết.
Trao đổi về thị trường sầu riêng ở Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: Sầu riêng Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng Thái và Philippines. Sản lượng sầu riêng của VN hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa. Quãng đường vận chuyển từ nước ta sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng VN tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành rẻ hơn hàng các đối thủ.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, dự tính công ty sẽ xuất khẩu 20.000 - 30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023. Tuy nhiên, bà cũng lo lắng về vấn đề chất lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện nay. Bởi vừa qua giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Trong khi thương lái thiếu hàng chấp nhận gom mua tất cả các loại mà không phân biệt chất lượng.
"Chúng ta mất rất nhiều năm mới có thể xuất khẩu chính ngạch được sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất khẩu để chiếm thị phần, nay lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, chẳng khác nào quay lại thời kỳ tư duy buôn chuyến. Không thể vì khoản lãi 1 - 2 tỉ đồng mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm mới xây dựng được", bà Vy nhấn mạnh.
Điều gì sẽ khiến sầu riêng Việt sớm "đụng trần"?
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định nhu cầu thị trường sầu riêng còn rất lớn đây sẽ là cơ hội của loại trái cây Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Từ những điều mắt thấy về lợi nhuận của cây sầu riêng, nhiều nhà vườn sẵn sàng chặt hạ những cây trồng cũ để thay thế bằng sầu riêng nhằm đón sóng. Những cây sầu riêng trồng hiện nay, nếu thuận lợi thì 4 đến 5 năm sau sẽ cho thu nhập, nhưng lợi thế và giá trị của trái sầu riêng có được duy trì bền vững hay cũng chỉ bấp bênh như nhiều loại noogn sản khác.
Trước làn sóng ồ ạt trồng rồi chặt rồi lại trồng một cách tự phát, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) trăn trở: Đừng để hình ảnh sầu riêng hay các loại trái cây nông sản của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nóng, sản xuất không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn từ phía những nhà nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Như Cường, cây sầu riêng chỉ tập trung phổ biến ở vùng ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Phước, Tây nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông nhưng người dân đổ xô đi trồng, thậm chí trồng cả ở đất trũng, đất bạc màu, trồng xen canh với cây tiêu. Diện tích và sản lượng vượt quá khuyến cáo.
Theo dự báo trong năm 2023, sản lượng sầu riêng VN đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó, đến nay Trung Quốc mới cấp được 300 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và có khoảng 40 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến. Như vậy, sản lượng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng từ 15 - 20% sản lượng sầu riêng ở VN và tiêu dùng nội địa vẫn là chủ yếu".
![]() |
Trồng xen sầu riêng với những cây lâu năm sẽ gặp khó trong việc cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. |
Những hệ lụy đó sẽ khiến trái sầu riêng sớm "đụng trần" nếu người trồng và cấp, ngành địa phương không sớm vào cuộc với những giải pháp đồng bộ. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng: "Nhiều tín hiệu vui thăng hoa đã khiến người dân ồ ạt chuyển đổi, tuy nhiên về lâu dài vẫn là chất lượng sản phẩm. Ngành sầu riêng Thái Lan phát triển trước VN hàng chục năm nay. Họ rất mạnh về công nghệ bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhiều giống tốt và mới đây tiếp tục nâng tiêu chuẩn chất lượng của sầu riêng xuất khẩu".
Theo thống kê, đến nay VN có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng. Việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tín hiệu vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
Lợi thế của cây sầu riêng là điều không cần phải bàn cãi, nhưng tối ưu lợi thé và tạo một lộ trình phát triển bền vững thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo ông Nguyễn Như Cường, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với người dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng để quản lý chất lượng, thương mại, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra.
"Chúng tôi khuyến cáo thay vì tăng diện tích, sản lượng, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần xây dựng thương hiệu sầu riêng, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối… để đảm bảo hiệu quả cao và giữ được giá" ông Cường cho hay./.