![]() |
Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng vọt gấp 6 lần so với cùng kỳ. |
Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt gấp 6 lần
Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái - thị trường Trung Quốc chiếm trên 84%.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy 5 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng trưởng đứng thứ 2 chỉ sau ngành gạo.
Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, dữ liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ghi nhận chỉ có trái thanh long và chuối tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm. Ngược lại, các trái cây xuất khẩu chủ lực khác đều có tốc độ tăng hai con số. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 190 triệu USD, tăng đột biến 573% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 84,3% tổng giá trị xuất khẩu loại quả này.
Cuối tháng 5, sầu riêng Việt xuất khẩu vào mùa thu hoạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng mạnh gây ùn tắc hơn 700 xe hàng. Tối 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu 8 bộ cùng các địa phương, cơ quan liên quan sớm tìm cách xử lý, thúc đẩy việc thông quan nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc.
Hiện, Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
![]() |
Sầu riêng đang phát huy lợi thế tạo sức hút trên thị trường nội địa và xuất khẩu so với các loại trái cây khác. |
Tuy kim ngạch xuất khẩu tăng vọt nhưng sầu riêng chỉ xếp thứ 2 về giá trị ngoại tệ thu về trong số những trái cây xuất khẩu. Xuất khẩu thanh long dù giảm đến 20% nhưng vẫn duy trì vị trí số 1 về giá trị ngoại tệ thu về trong ngành trái cây, khi đạt gần 246 triệu USD, chiếm tỉ trọng 26,7%.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho hay từ đầu năm đến nay, giá thanh long luôn ở mức cao hơn giá thành và không có đợt dội chợ nào. Nguyên nhân là do Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19 nên tiêu thụ thuận lợi. Ngoài ra, diện tích thanh long hiện nay không quá nhiều nên không gặp áp lực về tiêu thụ.
Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với các loại quả như măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký nghị định thư về thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Sầu riêng Việt vẫn bị Thái Lan bỏ xa
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chưa xứng với tiềm năng là bởi Trung Quốc chỉ mới chấp thuận nhập khẩu sầu riêng tươi. Với sầu riêng xuất khẩu tươi, thị trường yêu cầu cao về mẫu mã, hình thức nên sản lượng không được nhiều.
Trong khi đó, Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc cả sầu riêng tươi và cơm sầu riêng cấp đông nên giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 lên đến gần 4 tỉ USD. Một đối thủ khác là Malaysia, nổi tiếng với sầu riêng Musangking thì chỉ được xuất khẩu cơm sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc.
Do đó, trong các hội nghị gần đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở cửa thêm mặt hàng cơm sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Điều này sẽ giúp tăng giá trị mặt hàng sầu riêng xuất khẩu. Thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu cơm sầu riêng sang Mỹ, Nhật Bản, Úc… nhưng giá trị đóng góp còn nhỏ so với thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2023, chuối xuất khẩu xếp vị trí thứ 3 (16,3%, đạt gần 150 triệu USD), thứ 4 là xoài với 89 triệu USD và thứ 5 là mít với gần 80 triệu USD.
![]() |
Sầu riêng Thái Lan vẫn đang giữ vị thế số 1 tại thị trường Trung Quốc. |
Đại diện Công ty thương mại Sunwah (tại TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cho rằng, sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai quốc gia này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu sầu riêng quy mô lớn hơn Việt Nam. Ở thị trường Trung Quốc hiện nay, thương hiệu sầu riêng của Malaysia và Thái Lan cũng mạnh hơn. Đây là yếu tố cản trở với sầu riêng Việt Nam.
"Muốn thắng trên thị trường Trung Quốc thì sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu; từ sầu riêng sẽ kéo theo nhiều loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường xây dựng thương hiệu", đại diện Sunwah nói.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc luôn có giá thấp hơn khoảng 20% so với hàng của Thái Lan. Thái Lan mới đây đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%. Theo đó, quả sầu riêng có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này của Thái Lan được cho là yếu tố để cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam dù mới bước sang năm thứ 2 được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng có thể nhận diện rõ những lợi thế và cả những hạn chế cần tháo gỡ./.