Bến Tre – Ngọt ngào hương kẹo dừa, đậm đà hồn quê Nông nghiệp “siết trận”: Tấn công mạnh vào hóa chất cấm, thực phẩm giả Bún suông – Món ngon Trà Vinh "đốt tim" thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức |
Không hào nhoáng, không cầu kỳ, khoai lang – thứ củ dân dã gắn liền với đời sống người nông dân – lại là nguyên liệu chính làm nên một món ăn độc đáo, đậm đà bản sắc miền Tây: khoai lang chấm mắm sống cuốn lá cách là đặc sản trứ danh của người dân Vĩnh Long.
![]() |
Khoai lang chấm mắm sống cuốn lá cách, đặc sản trứ danh của người dân Vĩnh Long. |
Dẫu mang danh là “món nhà nghèo”, khoai lang vẫn khiến bao người phải xuýt xoa bởi vị dẻo thơm, bùi béo – thứ hương vị mộc mạc mà ấm lòng. Trên dải đất hình chữ S, loại củ này hiện diện khắp nơi và xuất hiện trong đủ kiểu chế biến: từ hấp, nướng, luộc cho đến phơi khô dự trữ.
Thế nhưng, giữa muôn cách ăn khoai quen thuộc, ít ai biết đến một biến tấu lạ miệng và đầy sáng tạo của người dân vùng sông nước: khoai lang chấm mắm sống, cuốn cùng lá cách và các loại rau vườn. Đây không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức của người miền Tây trong thời khốn khó.
Theo lời người dân Vĩnh Long, món ăn này bắt nguồn từ thời chiến tranh. Khi lương thực khan hiếm, trong nhà chỉ còn vài củ khoai và hũ mắm ủ sau hè, người nông dân đã sáng tạo nên cách ăn đơn giản nhưng chắc dạ: khoai lang luộc chấm mắm sống. Lâu dần, món ăn trở thành một phần không thể thiếu trong bữa cơm miền Tây, gắn bó với biết bao thế hệ ông cha đi khai hoang, mở đất.
Ngày nay, giữa vô vàn món ngon hiện đại, món khoai lang chấm mắm sống vẫn giữ được vị trí riêng nhờ sự hòa quyện tinh tế giữa các nguyên liệu dân dã và hương vị đậm đà.
Để có món khoai lang chấm mắm sống đúng vị, người Vĩnh Long thường chọn giống khoai Bình Tân – loại khoai nhiều bột, dẻo, thơm và bùi. Khoai sau khi rửa sạch, ngâm nước cho nhả nhựa sẽ được luộc hoặc hấp chín, bóc vỏ rồi xắt lát hoặc tách miếng vừa ăn.
Thế nhưng, linh hồn của món ăn lại nằm ở phần mắm sống – vốn là niềm tự hào của ẩm thực miền Tây. Không nơi nào có sự phong phú về mắm như ở đây: từ mắm cá linh, mắm trèn, mắm cá chốt, cá lóc đến mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép... Mỗi loại mắm là một “thế giới” riêng biệt, không chỉ về cách chế biến mà cả cách thưởng thức.
![]() |
Ngày nay, giữa vô vàn món ngon hiện đại, món khoai lang chấm mắm sống vẫn giữ được vị trí riêng nhờ sự hòa quyện tinh tế giữa các nguyên liệu dân dã và hương vị đậm đà. |
Mắm ăn kèm khoai lang thường là mắm cá sặc hoặc cá lóc, được pha chế khéo léo với tỏi, ớt, gừng, đường... sao cho giữ được vị mắm nguyên bản nhưng vẫn hài hòa, dễ ăn.
Ăn món này đúng điệu phải có thịt ba rọi luộc thái mỏng, cơm dừa nạo, chuối chát, khế chua, dưa leo và rổ rau vườn đủ loại: tía tô, húng quế, cải xanh... nhưng nhất định không thể thiếu lá cách – loại lá đặc trưng mọc nhiều ở miền Tây, có mùi thơm nồng rất riêng.
Người sành ăn sẽ lấy một chiếc lá cách, xếp lần lượt các nguyên liệu: miếng khoai, thịt ba rọi, chút mắm, rau thơm, cơm dừa rồi cuốn gọn trong lòng bàn tay. Tất cả hòa quyện thành một tổng thể đủ đầy: vị ngọt bùi của khoai, vị đậm đà của mắm, vị béo của thịt, cái chua chát thanh mát của rau và trái cây, cùng mùi thơm ngậy của lá cách – tất cả bung nở trong khoang miệng, để lại dư vị khó quên.
Ngày nay, khoai lang chấm mắm sống không chỉ là món ăn thường nhật mà còn xuất hiện trong các dịp lễ Tết, đám tiệc tại địa phương như một món khai vị dân dã, thân quen. Người Vĩnh Long thường dùng món này để tiếp đãi khách quý hoặc gửi tặng người thân phương xa như một cách lưu giữ hương vị quê nhà.
Không ai biết chính xác món ăn này ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng qua năm tháng, khoai lang chấm mắm sống đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Vĩnh Long – một món ngon mộc mạc, đậm tình đất tình người, khiến ai một lần nếm thử cũng phải nhớ mãi không quên.
![]() |
![]() |
![]() |