![]() |
Hot boy Lê Thành Nhân đi tiên phong trồng chuối già Nam Mỹ trên đất phèn chua. |
Xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung trước đây là vùng kinh tế mới, đất hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng. Trước tình hình này, tỉnh có chủ trương khai phá vùng Đồng Tháp Mười, đưa người dân lên sinh sống, cải tạo đất đai, tháo chua, rửa phèn. Sau thời gian khai phá, người dân vùng Đồng Tháp Mười trồng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, thậm chí có vùng trồng tới 3 vụ. Tuy nhiên, một số nơi ở vùng Đồng Tháp Mười đất đai khó cải tạo nên việc trồng lúa cho năng suất rất thấp, trong đó có xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa.
Thấy người dân quê mình hàng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng kinh tế gia đình vẫn không khấm khá, anh Lê Thành Nhân (SN 1990) quyết định đầu tư trồng chuối già Nam Mỹ theo hướng an toàn sinh học trên diện tích 6ha đất trồng lúa cho năng suất thấp.
![]() |
Chuối già Nam Mỹ dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu ít hơn các loại cây trồng khác, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ. |
Anh Nhân cho biết: “Chuối già Nam Mỹ dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu ít hơn các loại cây trồng khác, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg. Thông thường, chuối già Nam Mỹ trồng từ 8-9 tháng sẽ cho thu hoạch, năng suất từ 40-45 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hàng chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hơn hết, từ đợt thu hoạch thứ 2, thời gian rút ngắn còn 5-6 tháng, thời điểm đó chỉ tốn công chăm sóc, phân, thuốc, nhân công thu hoạch, sơ chế. Chuối trồng một lần thu hoạch được 3-4 năm mới cải tạo trồng mới nên càng về sau, lợi nhuận càng ổn định”.
Với lợi nhuận từ 6ha trồng chuối già Nam Mỹ, anh Nhân quyết định mở rộng quy mô sản xuất thêm 24ha. Hiện nay, diện tích trồng chuối đều được anh Nhân đầu tư hệ thống tưới tự động, bón phân hữu cơ, quy trình thu hoạch có hệ thống dây chuyền từ vườn đến nhà xưởng. Tại nhà xưởng, các công nhân bắt đầu chế biến, đóng gói thành 2 loại chuối nải và chuối trái dán tem, hút chân không, tiếp theo đóng thùng vận chuyển về đơn vị thu mua - Công ty TNHH Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ).
Để trồng 30ha chuối, anh đã đầu tư 13 tỉ đồng, trồng theo hướng hữu cơ với quy trình khép kín và ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và số hóa từ khâu quản lý vườn, tưới nước cho đến thu hoạch. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư lớn vào cây chuối trên vùng đất phèn của anh Thành Nhân ban đầu đã khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi.
Anh chia sẻ: “Ban đầu, tôi cố gắng thuyết phục các hộ dân xung quanh cùng chuyển đổi nhưng bị từ chối vì họ cho rằng trồng chuối trên vùng đất phèn Mộc Hóa là quá mạo hiểm, tỷ lệ thất bại nhiều hơn thành công”.
Với sự quyết tâm và kiên trì, anh đã tìm tòi và thử nghiệm nhiều giải pháp, vượt qua mọi khó khăn và chứng minh tính hiệu quả của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chuối. Mỗi hécta chuối có chi phí đầu tư ban đầu khoảng 450 triệu đồng.
![]() |
Diện tích trồng chuối đều được anh Nhân đầu tư hệ thống tự động từ chăm sóc, thu hoạch tới sơ chế. |
Sau 6 tháng trồng, chuối bắt đầu cho trái và sau 9 tháng đã cho thu hoạch với sản lượng từ 40-45 tấn/ha, lợi nhuận đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm và chỉ sau 3 năm trồng, người dân đã có thể thu hồi vốn. Nếu được chăm sóc tốt, chuối già Nam Mỹ có thể khai thác đến 10 năm.
Đến nay, mô hình trồng chuối của anh Thành Nhân đạt kết quả bước đầu khi chuối đạt sản lượng tốt, giá bán ổn định khoảng 8.500 đồng/kg, lợi nhuận dự kiến trên 3 tỷ đồng/năm. Anh còn tự nghiên cứu và ươm thành công cây giống chuối già Nam Mỹ.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ của anh Nhân còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 công nhân, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Làm công nhân ở vườn chuối không vất vả, gần nhà, thu nhập ổn định, nhất là có thời gian chăm sóc gia đình”.
Để có được thành công bước đầu như hôm nay, ít ai biết rằng anh Nhân cũng phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người khuyên anh bỏ cuộc. Song, với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó khăn, vất vả của tuổi trẻ đã giúp anh Nhân vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định sản xuất và góp phần tạo hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp huyện nhà.
Anh Nhân cho biết thêm: “Ban đầu, tôi gặp khó khăn nhất là việc thuê đất cải tạo và thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Cụ thể, nhiều nông dân không dám cho tôi thuê đất, sợ sau khi thuê mà làm không hiệu quả thì mình bỏ ngang, không trả lại hiện trạng ban đầu trước khi thuê. Nước tưới ở Tân Lập thường bị phèn, độ ngọt không bằng các địa phương khác nên tôi phải đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước; đồng thời, đào ao dự trữ nước".
Mô hình trồng chuối trên đất phèn của hot boy nông dân Nguyễn Thành Nhân thể hiện tư duy sáng tạo trong nông nghiệp. Cây chuối giá Nam Mỹ đã biến vùng đất phèn trồng lúa bấp bênh thành vùng đất trù phú mở hướng làm giàu cho người dân địa phương. Dự kiến, thời gian tới, anh Nhân sẽ liên kết với người dân xung quanh thành lập hợp tác xã theo hướng kỹ thuật cao và bao tiêu sản phẩm. "Mục đích thành lập hợp tác xã nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn cây lúa”, Lê Thành Nhân cho biết thêm./.