Cơ hội để doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá trong năm 2024 Đón tín hiệu tích cực, Ngành gỗ vẫn chưa thể “thở phào” Ngành gỗ Việt Nam cần chuẩn bị gì trước thay đổi của thị trường xuất khẩu? |
Thêm không gian tăng trưởng cho ngành gỗ nội thất Việt Nam
![]() |
Vifa Expo là điểm hẹn lý tưởng cho hàng nghìn doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. |
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2024, ngành gỗ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên thị trường quốc tế. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 16,25 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023, vượt kỷ lục 15,8 tỷ USD năm 2022, dù chưa chạm mốc mục tiêu 17,5 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,2 tỷ USD, tăng gần 22% so với năm 2023. Nhiều sản phẩm chủ lực tăng hai con số như đồ dùng phòng ngủ (tăng 28,8%), nhà bếp (19,6%) và phòng khách, phòng ăn (19,4%) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Các mặt hàng như ghế khung gỗ, ván sàn, dăm gỗ cũng được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Ông Thành cho rằng thành công này nhờ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường mới, tham gia tích cực vào các triển lãm, hội chợ và tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của các đối tác lớn như Mỹ và châu Âu. Do đó, Vifa Expo không chỉ là động lực quan trọng thúc đẩy ngành nội thất Việt Nam vươn tầm quốc tế, mà còn là điểm hẹn lý tưởng cho hàng nghìn doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để các nhà mua hàng tìm kiếm những sản phẩm chất lượng, độc đáo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cũng theo lãnh đạo VCCI, với uy tín đã được khẳng định trên trường quốc tế, Vifa Expo 2025 tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu, đồng thời mở rộng quy mô. Đây là minh chứng rõ nét cho sự vươn lên mạnh mẽ của ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh nhấn mạnh, những năm qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ luôn chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó mở rộng sang các thị trường mới là xu hướng tất yếu của ngành nội ngoại thất Việt Nam.
Theo ông Hùng, Vifa Expo 2025 quy tụ hơn 650 doanh nghiệp từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 2.500 gian hàng trưng bày sản phẩm đa dạng trong các lĩnh vực nội thất, ngoại thất, thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, cùng các máy móc, thiết bị, dụng cụ và dịch vụ hỗ trợ. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quốc tế đến từ các thị trường lớn như Đan Mạch, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
“Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các nhà mua hàng toàn cầu, Vifa Expo 2025 không chỉ mang đến cơ hội giao thương mà còn tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về xu hướng xuất khẩu và thương mại điện tử, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp Việt khai thác thị trường quốc tế hiệu quả. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ, và châu Phi,... nhằm tạo thêm không gian tăng trưởng cho ngành gỗ nội thất Việt Nam giúp doanh nghiệp Việt đa dạng hóa thị trường, mở rộng cơ hội phát triển bền vững”, ông Đặng Quốc Hùng nói và cho biết Vifa Expo 2025 được chính quyền tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc xếp hạng là hội chợ trọng điểm của tỉnh, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội ngoại thất Việt Nam.
Tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng
![]() |
Doanh nghiệp cần bán những gì khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có. |
Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ rất khả quan nhưng biến động về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ và EU cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và cả ngành. Vì vậy, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp gỗ và nội thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.
Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm (Bình Định) là doanh nghiệp đã có hơn 20 năm tham gia xuất khẩu đồ nội ngoại thất, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 14-15 triệu USD. Theo ông Nguyễn Văn Thu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm, công ty tập trung vào các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU và Australia. Mặc dù đã có những đối tác lâu năm và lượng đơn hàng khá ổn định nhưng doanh nghiệp cũng cảm nhận rõ những thách thức.
Năm 2025 dự báo thị trường tiếp tục biến động, khó đoán, nhiều khách hàng lớn của công ty ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ phản hồi vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh do sức mua giảm, lạm phát cao… Công ty cũng nhận thấy sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đối với các sản phẩm nội, ngoại thất như ưa chuộng sự kết hợp giữa gỗ, kim loại và vải bọc chống tia UV, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thu, doanh nghiệp cần bán những gì khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có. Việc xây dựng thương hiệu đồ gỗ nội thất Việt Nam phải gắn liền với chất lượng và tính độc đáo; sản phẩm vừa phải đáp ứng được công năng mà khách hàng cần vừa có dấu ấn tinh hoa truyền thống dân tộc. Về thương mại, doanh nghiệp chủ động giữ kết nối với khách hàng cũ, đồng thời tích cực quảng bá để tiếp cận những khách hàng, thị trường tiềm năng mới.
Năm 2024, ngành gỗ và nội thất thắng lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi, doanh thu xuất khẩu của Công ty Forexco (Quảng Nam) giảm gần 1/3 so với trước năm đó. Ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Forexco cho biết, khách hàng chủ lực của công ty tập trung tại EU và Mỹ, năm vừa qua tăng trưởng kinh tế của các khu vực này chậm lại, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua kém. Thêm vào đó, các nhà bán hàng chịu lãi suất vay quá cao, không đủ nguồn vốn để mua hàng tích trữ dài hạn.
Hiện nay, họ mua bán thận trọng hơn, để quan sát dấu hiệu thị trường. Hệ thống phân phối chỉ lên kế hoạch bán hàng theo mùa, dẫn tới các đơn hàng nhỏ và ngắn hạn từ 3-4 tháng. Khi doanh nghiệp mở rộng ra thị trường Nhật thì hàng ngoại thất (outdoor) không có nhiều lợi thế. Vì phần lớn khách hàng Nhật sống trong căn hộ nhỏ, khác với kiểu nhà vườn rộng hay thấy ở phương Tây. Ở các thành phố lớn của Nhật, người ta vẫn mua đồ ngoại thất nhưng cỡ nhỏ để ban công là chủ yếu. Vì vậy, doanh số ở thị trường này không cao.
“Điểm mấu chốt mà doanh nghiệp rút ra là phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và đa dạng kênh phân phối. Trước đây doanh nghiệp từng tham gia các Hội chợ Quốc tế Spoga-Đức, Singapore Expo… nhưng 15 năm trở lại đây chúng tôi chủ yếu làm việc với các đối tác khách hàng quen-truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và nhiều biến động như hiện nay, nếu doanh nghiệp cứ bị động sẽ rất khó tồn tại", ông Đặng Công Quang chia sẻ.
Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 16 (Vifa Expo 2025) do Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI - HCM) và Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) tổ chức từ ngày 5 - 8/3 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM. |