Thành nhà Hồ: Từ di sản lịch sử đến điểm du lịch hút hồn Phát triển du lịch di sản đòi hỏi sự bài bản và trách nhiệm “Tiếp nối di sản” – Khám phá vẻ đẹp và mạch nguồn văn hóa phương Nam |
Mối quan hệ hợp tác bền chặt và toàn diện
![]() |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” cho Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo. |
Trở lại Việt Nam sau gần 2 năm, ông Lazare Eloundou Assomo – Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO – có lịch trình làm việc dày đặc tại ba địa phương: Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Quảng Ninh.
Chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO từ ngày 18 đến 23/5 không chỉ là hoạt động ngoại giao mang ý nghĩa biểu trưng, mà còn tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam như một đối tác toàn diện, thiết thực và hiệu quả trong lĩnh vực bảo tồn di sản cùng UNESCO.
Kể từ khi gia nhập UNESCO năm 1976, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việc sở hữu 8 di sản thế giới được công nhận, cùng hai lần trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013–2017 và 2023–2027, là minh chứng cho những bước tiến vượt bậc trong nhận thức và thực tiễn bảo tồn di sản. Đồng hành cùng tiến trình ấy, UNESCO không chỉ đánh giá cao giá trị di sản của Việt Nam mà còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, trở thành đối tác không thể thiếu trong chiến lược bảo tồn di sản quốc gia.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ, di sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, áp lực du lịch và sự suy giảm nhận thức trong một bộ phận cộng đồng. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là mối quan tâm toàn cầu. Việc tăng cường hợp tác với UNESCO chính là chìa khóa để Việt Nam vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa hướng tới phát triển bền vững.
Tại buổi tiếp ông Assomo ngày 20/5, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tích cực, tin cậy của UNESCO và cam kết tiếp tục đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của tổ chức này, nhất là tại Ủy ban Di sản thế giới. Tổng Bí thư cũng đề nghị UNESCO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc lan tỏa giá trị văn hóa ra thế giới và bảo tồn các di sản đã được ghi danh.
Nhân dịp chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” cho ông Assomo, ghi nhận những đóng góp tâm huyết của ông trong công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai bên kể từ chuyến thăm đầu tiên của ông Assomo vào năm 2023, đồng thời nhấn mạnh chuyến thăm lần này là bước nối tiếp cụ thể và ý nghĩa.
Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương…, ông Assomo bày tỏ sự ấn tượng trước nỗ lực của Việt Nam trong việc kết hợp giữa phát triển đô thị với bảo tồn di sản, cũng như việc nghiêm túc tiếp thu và thực hiện các khuyến nghị chuyên môn của UNESCO từ chuyến thăm trước.
Tinh thần đồng hành vì di sản bền vững
![]() |
Trung tâm Di sản thế giới cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong bảo tồn và phát huy các di sản như Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà,... |
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững” tổ chức ngày 21/5, ông Assomo nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều kinh nghiệm quý báu và thành tựu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các bạn là hình mẫu trong việc đặt di sản vào trọng tâm của chương trình nghị sự quốc gia, đồng thời hướng tới phát triển bền vững lấy cộng đồng làm trung tâm.”
Ông Assomo cũng cho biết Trung tâm Di sản thế giới cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong bảo tồn và phát huy các di sản như Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà; đồng thời xem xét tích cực các hồ sơ đề cử mới như Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc; Óc Eo – Ba Thê; Thành Cổ Loa; Địa đạo Củ Chi và Hang Con Moong.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Assomo bày tỏ niềm vui khi trở lại Việt Nam trong bối cảnh hợp tác giữa hai bên ngày càng sâu sắc và hiệu quả. Việc Việt Nam là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới – nơi thảo luận và quyết định việc ghi danh các di sản – càng làm tăng ý nghĩa của sự hợp tác này.
Ông Assomo cũng gửi lời nhắn tới người dân Việt Nam, khuyến khích tiếp tục ủng hộ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – thiên nhiên, những minh chứng sống động cho lịch sử và bản sắc dân tộc. “Việc tôn vinh các giá trị đó không chỉ góp phần nâng cao phúc lợi cho người dân, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam chính là một ví dụ điển hình,” ông Assomo khẳng định.
Trong tư duy hiện đại, di sản không còn chỉ là những dấu tích của quá khứ, mà trở thành tài sản sống động, gắn bó mật thiết với đời sống hiện tại. Chuyến thăm lần này của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới không chỉ củng cố mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và UNESCO, mà còn là lời nhắc mạnh mẽ rằng nếu được đầu tư đúng mức và có chiến lược phù hợp, di sản sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để viết tiếp câu chuyện tương lai của đất nước.