Ông Nguyễn Quốc Hương bên trại nấm của gia đình ở xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). |
Đi tìm nấm chữa bệnh nảy ra ý tưởng sản xuất nấm
Chủ cơ sở sản xuất nấm khủng và kiêm Giám đốc HTX Tuấn Linh là ông Nguyễn Quốc Hương ở xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Thay vì trồng nấm truyền thống, thu hoạch rồi bán ra thị trường, HTX này đã chế biến thành phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng.
Vào năm 2005, khi người bố không may lâm bệnh, ông Nguyễn Quốc Hương đã đi tìm mua các sản phẩm từ nấm về để hỗ trợ chữa bệnh. Cũng qua đó, ông bắt đầu nảy ra ý định về việc học hỏi, sản xuất các loại nấm để đưa ra thị trường.
Đến năm 2007, ông Hương bắt đầu đi tìm hiểu và học hỏi cách trồng nấm từ các tỉnh phía Bắc và đưa về thử nghiệm trên mảnh đất quê hương và cho những kết tốt.
"Gia đình tôi trồng nấm đến nay cũng đã gần 15 năm, trước năm 2016 thì cũng chỉ làm thủ công rồi bán các sản phẩm thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ tháng 3/2016, vợ chồng mới quyết định thành lập HTX để mở rộng sản xuất, liên kết với bà con để cùng trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm", ông Hương chia sẻ.
HTX Tuấn Linh với mô hình trồng nấm khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn” |
Sau hơn 5 năm triển khai thành lập HTX, đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công và tìm tòi để cho ra những sản phẩm từ nấm, công việc sản xuất của ông Hương đã gặt hái được nhiều thành công, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người.
Theo ông Hương, mỗi năm, đơn vị sản xuất 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm..., mang lại tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, trong đó lãi đạt từ 15-20%.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, theo ông Hương với nghề trồng nấm thì không đòi hỏi phải đầu tư vốn quá lớn, việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại nấm đều có một kỹ thuật chăm sóc khác nhau, do đó cần kỹ càng ngay từ khâu làm phôi giống và nắm bắt môi trường sinh trưởng của nấm để mang lại hiệu quả.
Ông Hương cũng cho hay, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán khó với nhiều người dân khi muốn trồng nấm, do đó để cần có sự liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo thương hiệu và ổn định lâu dài để tránh rủi ro.
Liên kết người trồng nấm làm khép kín từ trang trại tới bàn ăn
Việc thành lập HTX cũng đã tạo điều kiện để ông Hương liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm. Đồng thời, HTX cũng bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho khoảng 425 lao động; trong đó phần lớn lao động là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Giám đốc HTX Tuấn Linh, cho biết với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, tiện lợi cho người sử dụng, từ khi thành lập - năm 2016, HTX đã bắt đầu trồng thử nghiệm các loại nấm rơm, sò, linh chi, mộc nhĩ...Từ 100m2 tập trung trồng nấm linh chi, đến nay, HTX đã mở rộng thêm diện tích gần 9.000m2 trồng nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ… Ngoài nấm ăn, nấm dược liệu trồng kiểu truyền thống, HTX còn đầu tư máy móc, nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tập trung chế biến, đóng gói thành phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm từ nấm mới lạ, thu hút người tiêu dùng.
Ban đầu, khi chế biến thành phẩm, các loại nấm của HTX Tuấn Linh chưa được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Dần dà, những sản phẩm này được nâng cao chất lượng và chú trọng quảng bá nên đã tạo sức hút trên thị trường. Nhiều sản phẩm 3F của Tuấn Linh - như: trà nấm, rượu nấm, nước mắm chay từ nấm, nấm mộc nhĩ, nấm thập cẩm… - đã có lượng tiêu thụ lớn. HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với nhiều công ty và hệ thống Co.opmart tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị.
Ông Nguyễn Quốc Hương trong một buổi hướng dẫn nông dân cách đóng bịch phôi nấm. |
Theo ông Hương, những sản phẩm này được sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. "Chúng tôi kiểm định thường xuyên, từ giống nấm, phôi nấm đến nguồn nước... đều phải bảo đảm chất lượng" - ông khẳng định. HTX Tuấn Linh đạt doanh thu hằng năm khoảng 7 tỉ đồng; tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động địa phương từ việc trồng và chế biến nấm thương phẩm.
Đến nay, HTX Tuấn Linh đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP tỉnh Quảng Bình. Trong 2 năm trở lại đây, HTX thành công trong việc sản xuất 2 loại giống nấm mới là nấm Kim Phúc và nấm Hoàng Đế, năng suất cao gấp 2 lần so với các loại nấm thông thường.
"Nghề trồng nấm không đòi hỏi phải đầu tư vốn quá lớn, việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại nấm đều có một kỹ thuật chăm sóc khác nhau, do đó, cần kỹ càng ngay từ khâu làm phôi giống và nắm bắt môi trường sinh trưởng của nấm để mang lại hiệu quả", ông Hương cho biết thêm./.