Hà Nội có 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản Kiên Giang gỡ khó cho khai thác thủy sản |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), bảo vệ nguồn lợi và phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã (có NTTS) căn cứ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chỉ đạo phát triển NTTS, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng NTTS tập trung theo quy hoạch, theo chuỗi liên kết và gắn với thị trường tiêu thụ; quán triệt nhận thức, trách nhiệm, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, bảo đảm ATTP thủy sản; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, công tác đảm bảo ATTP trong sản xuất thủy sản; kịp thời xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện công tác phát triển thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản và bảo đảm ATTP thủy sản năm 2021 kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
![]() |
Hà Nội tăng cường công tác quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản |
Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn thực hiện đăng ký đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung phát triển nuôi các giống thủy sản có giá trị như: cá chép lai, cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính và các loại thủy đặc sản (cá trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh,...).
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phát triển NTTS; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản; xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản an toàn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các hoạt động bảo vệ, khai thác thủy sản theo quy định, đặc biệt phải xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản ngoài tự nhiên bằng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ bị cấm và các hành vi vi phạm trong công tác quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại. Nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ và thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Đồng thời, giao chỉ tiêu kế hoạch về bảo đảm ATTP cho UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản nhỏ lẻ theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của UBND thành phố; kiên quyết xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ cao mất ATTP, xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật các cơ sở vi phạm, đồng thời, công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh thủy sản, công tác giám sát ATTP trong quá trình nuôi và sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS...
![]() |
Đưa sản phẩm thủy sản an toàn tới người dân |
Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định. Triển khai đồng bộ quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT và theo phân công, phân cấp cụ thể khác của UBND thành phố.
Đặc biệt là huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện quản lý ATTP và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp các sở, ban ngành liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản và quy hoạch, kế hoạch của UBND thành phố liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển vùng sản xuất thủy sản chuyên canh tập trung chất lượng cao, gắn với quy hoạch các chợ cá, các điểm kinh doanh sản phẩm thủy sản nhằm phát triển sản xuất bền vững, có hiệu quả và đảm bảo ATTP; tạo điều kiện bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn.
Được biết, năm 2020, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản của Thành phố Hà Nội ước đạt 23.271 ha, tổng sản lượng đạt 116,573 nghìn tấn, tăng 3,49% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 114,844 nghìn tấn, tăng 3,57% so với năm 2019; sản lượng thủy sản khai thác 1,729 nghìn tấn, giảm 1,48% so với năm 2019.
Theo Sở NN&PTNT, trong năm qua để thúc đẩy thủy sản phát triển, ngành nông nghiệp đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn hệ thống văn bản về quản lý nuôi trồng thủy sản thương phẩm và quản lý chất lượng giống thủy sản; tập huấn nâng cao kiến thức kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình nuôi.
Đồng thời nâng cao năng lực hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn về nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP… Hiện nay, có 18 cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Toàn Thành phố đã có 32 HTX thủy sản thuộc các huyện có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì,…
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy tự nhiên. Đồng thời phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 24 nghìn ha, nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 124 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.