Quả na Chi Lăng |
Na Chi Lăng - Hành trình trở thành đặc sản đặc trưng của xứ Lạng
Được đưa về Chi Lăng (Lạng Sơn) mới chỉ từ những năm 1980, cây na đã “thay da dổi thịt” cho vùng đất xứ Lạng, trở thành một trong những sản vật đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn.
Từ đó đến nay, người dân và chính quyền huyện Chi Lăng đã liên tục nỗ lực và phải trải qua nhiều phen “lao đao” để có được quả na ngọt lành đặc trưng như bây giờ.
Theo lời kể của người dân Chi Lăng, cây na dai được một số hộ dân đưa từ nơi khác về trồng thử trên núi đá vôi cheo leo cằn cỗi. Không phụ lòng người chăm sóc, cây na “hợp đất” và cho ra trái ngọt, sản lượng tốt. Người dân Chi Lăng bắt đầu chuyển đổi sang trồng na thay vì trồng khoai, sắn.
Na Chi Lăng trồng trên núi đá vôi |
Thời gian đầu, người dân chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây na nên na cho ra trái nhỏ và dày quả, hiệu quả kinh tế không cao. Chính quyền huyện và các doanh nghiệp thương mại đã phối hợp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây na cho bà con để tăng năng suất và sản lượng na.
Để có được quả na to, đẹp và thơm ngọt, người dân phải vất vả nhiều tháng từ những khâu vun đất, làm cỏ, tỉa cành, kích hoa, thụ phấn… không ngưng nghỉ. Thu hoạch được quả na chất lượng, người dân lại miệt mài tìm đầu ra tiêu thụ. Người dân và thương lái đã đưa Na Chi Lăng đi khắp các chợ, các miền để rồi “chất lượng tạo nên tên tuổi”, “tiếng lành đồn xa”, Na Chi Lăng đã trở thành một thứ đặc sản được người tiêu dùng công nhận.
Bén duyên trên núi đá Chi Lăng từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ những năm 2000 trở lại đây, diện tích na của huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn ngày càng được mở rộng, từ 500 ha vào năm 1997 đã tăng lên hơn 2.300 ha vào năm 2023.
Để đạt độ đồng đều về chất lượng và hình thức, nông dân địa phương được chính quyền huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn định hướng, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, phòng ngừa sâu bệnh, chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm... đem lại tỷ lệ đậu quả đạt 98%.
Khi được quả na ngon, đẹp, huyện lại vận động người dân áp dụng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP để được quả na sạch, đảm bảo an toàn.
Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện huyện Chi Lăng, quá trình vận động người dân tham gia quy trình trồng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng thực sự khó khăn và tốn kém. Triển khai từ 2014 đến nay, diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha trên tổng số hơn 2.000 ha trồng na của toàn huyện.
Dù đảm bảo kỹ thuật trồng và chăm sóc bài bản, khoa học, quả na Chi Lăng vẫn không tránh khỏi “kiếp nạn” ruồi vàng gây hại vào năm 2015. Năng suất lẫn diện tích na bị sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng đến chất lượng na đưa ra thị trường, gián tiếp ảnh hưởng đến thương hiệu Na Chi Lăng. Ngay lập tức, phía lãnh đạo huyện và các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Toàn bộ diện tích na của huyện đã được dùng bẫy bả sinh học ruồi vàng, 1.500 ha na được cứu nguy và cho ra quả ngọt lịm trong mùa thu hoạch năm đó.
Đến nay, người dân vẫn cẩn thận treo bẫy bả ruồi vàng lên từng cành na để bảo vệ quả na - tài sản quý giá của vùng đất này.
Bẫy bả ruồi vàng được treo để bảo vệ cây na |
Vị ngon đặc trưng của quả Na Chi Lăng đã được người tiêu dùng cả nước công nhận và đạt được nhiều giải thưởng danh tiếng. Năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) đã ra quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu "Na Chi Lăng" cho đặc sản này. Năm 2013, Na Chi Lăng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Đến năm 2017 và 2018, Na Chi Lăng liên tiếp được tôn vinh là "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".
Nhờ nỗ lực không ngừng của người dân và chính quyền, Na Chi Lăng đã đạt được chất lượng cao, năng suất được duy trì và đầu ra đảm bảo. Từ đó cải thiện đáng kể đời sống kinh tế của bà con nơi đây.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng.
Nỗ lực quảng bá thương hiệu Na Chi Lăng
Chất lượng là điều kiện kiên quyết để tạo nên thương hiệu Na Chi Lăng. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những nỗ lực quảng bá thương hiệu bản địa của chính quyền, UBND huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm, ông Phùng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Na Chi Lăng là đặc sản có tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Tuy vậy để giữ được thương hiệu na và quảng bá thương hiệu Na Chi Lăng rộng hơn tới người tiêu dùng, chúng tôi đã phải loay hoay, tìm kiếm, học hỏi rất nhiều từ các địa phương khác để có thể tổ chức nên ngày hội na hàng năm, đưa quả na đặc sản đến với công chúng và người tiêu dùng".
“Chúng tôi bắt đầu tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng từ 2017, 2018 và 2019. Đến 2020 và 2021 thì tạm hoãn do đại dịch Covid-19. Năm 2022 chúng tôi tiếp tục tổ chức và đi sâu vào đẩy mạnh bá sản phẩm. Bên cạnh ngày hội na, chúng tôi kết hợp cả hội chợ thương mại để giúp đẩy mạnh tiêu thụ những quả na chất lượng cao của huyện", Ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Ông Phùng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng |
Bên cạnh việc quảng bá và tuyên truyền, UBND huyện Chi Lăng cũng tích cực vận động bà con nông dân và các chủ vườn hướng đến kinh tế số, triển khai bán hàng online trên không gian mạng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, huyện đã phát động kinh tế số và triển khai gian hàng số tới các hộ dân.
“Huyện chúng tôi có trên 10.000 gian hàng số trên không gian mạng, có thể kể đến các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như OCOPmart, Voso… Khi người tiêu dùng gõ Na Chi Lăng trên mạng đều có thể tìm thấy các gian hàng, các kênh bán của chúng tôi với giá cả rõ ràng và hình ảnh thực tế. Việc chọn mua và thanh toán hết sức thuận tiện”, ông Nghĩa cho hay.
Trước sự nỗ lực của chính quyền và người dân Chi Lăng, Na Chi Lăng đã trở thành một đặc sản “có tên, có tuổi” bền vững trên thị trường, giúp nhiều gia đình có cơ hội bán được sản phẩm và cải thiện đời sống.
Quả na giúp người dân có kinh tế, cải thiện cuộc sống |
Mùa na 2023
Năm nay, huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện Chi Lăng thông qua các phiên chợ, tuần lễ nông sản giới thiệu sản phẩm.
Cụ thể, ngày 19/8 tới đây, huyện Chi Lăng sẽ tổ chức Chương trình “Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” tại chợ nông sản, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ và những người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội; Tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện Chi Lăng còn tổ chức Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 (từ ngày 24/8 - 27/8/2023), tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (địa chỉ số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng sẽ có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện.
Tính đến năm 2023, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm Na Chi Lăng có mức giá trên thị trường hiện nay trung bình khoảng từ 40.000đ/kg đến 70.000 đồng/kg tuỳ vào hình thức và chất lượng quả.