Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Gia Lai là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, Tây Nguyên có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ. Đây cũng là vùng đất trù phú, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, phát triển văn hóa du lịch mang đậm bản sắc dân tộc,.. là vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản như cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả chủ lực có quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao.
Quang cảnh hội nghị triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistisc tại Gia Lai. |
Vì vậy, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị nhằm chia sẻ tầm nhìn, tiếp thu những ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học về các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Đây cũng là dịp để Gia Lai giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế, chính sách của địa phương, thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của Tỉnh trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ quan trọng này.
ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phat biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết : “Tại Gia Lai nhu cầu về logictis, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản là rất lớn, cần thúc đẩy phát triển”.
Tuy nhiên, hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, hạ tầng còn nhiều hạn chế manh mún, thiếu sự đồng bộ; hình thức dịch vụ còn đơn điệu, tính liên kết không cao; năng lực cung ứng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế do gặp phải những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư.
Vì vậy, thông qua hội nghị, tỉnh Gia Lai mong muốn được lắng nghe ý kiến tham luận, đóng góp của cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp… về các giải pháp nhằm định hướng và thúc đẩy phát triển logistics trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp tỉnh xây dựng các chính sách phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh trên địa bàn của nông sản và các sản phẩm hàng hóa. Ông Quế nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện bộ, ngành Trung ương, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận, trao đổi về một số vấn đề như: xu hướng phát triển ngành logistics trong tương lai, một số giải pháp, định hướng trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng logistics; định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhu cầu các dịch vụ logistics hỗ trợ xuất khẩu; các giải pháp đầu tư phát triển logistics phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử; đầu tư phát triển hạ tầng, trung tâm logistics tại Gia Lai; giới thiệu mô hình hoạt động của doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics; chia sẻ một số kinh nghiệm về đề xuất trong kế hoạch phát triển logistics của tỉnh Gia Lai....