Giá cà phê tăng trở lại, cơ hội đối với xuất khẩu cà phê Việt Nam |
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 26/9, giá cà phê đã tăng trở lại, tiếp tục là điểm sáng trong ngày hôm qua. Sau 4 ngày giảm liên tiếp, giá Arabica đảo chiều tăng 1,38% chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật. Tương tự, giá Robusta cũng tăng 0,53%, kết thúc đà giảm 5 phiên liên tục trước đó.
Về mặt cung cầu, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 26/9 đạt mức 446.518 bao loại 60 kg, tăng 5.665 bao so với phiên cuối tuần trước. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, giúp tăng ẩm, giảm bớt nắng nóng, từ đó tạo điều kiện tốt hơn để cây cà phê phát triển.
Cùng chiều xu hướng giá thế giới, sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đã đảo chiều tăng 200 - 300 đồng/kg, kết thúc chuỗi giảm mạnh 5 ngày liên tiếp. Sau điều chỉnh, giá cà phê trong nước được thu mua quanh mức 65.900 - 66.700 đồng/kg.
Sau khi đạt đỉnh, vượt mức 68.000 đồng/kg vào giữa tuần trước thì giá cà phê trong nước đã giảm liên tiếp 5 ngày qua và mới tăng vào sáng nay. Tuy nhiên, hiện giá cà phê vẫn đang ở vùng giá cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, lượng dự trữ hiện đang rất ít. Điều này dẫn đến lượng cà phê xuất khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,22 triệu tấn, giảm 6,4% về khối lượng nhưng kim ngạch đạt 3,04 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 9/2023 tiếp tục tăng, đạt 3.151 USD/tấn, tăng 6,3% so với nửa đầu tháng 8/2023, và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đến giữa tháng 9, Việt Nam đã có tháng thứ 6 liên tiếp giá cà phê xuất khẩu tăng, ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước đó và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta trong 8 tháng đầu năm đạt 2.463 USD/tấn thì cũng tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phơi cà phê trên giàn |
Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD. Định hướng về lâu dài chúng ta cần hướng tới các biện pháp mang tính bền vững hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Cụ thể, trong đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê cả nước. Đây được xác định là hướng đi bền vững, để có thể nâng cao giá trị cho cà phê Tây Nguyên.
Cà phê là cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn thiếu bền vững. Theo đó, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển hướng sang các mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao và nhất là cà phê đặc sản. Nhờ vậy, nhiều nông dân, hợp tác xã không chỉ thu về lợi nhuận cao, mà còn nâng tầm được giá trị thương hiệu của cà phê Tây Nguyên.