Theo Hiệp định, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội cực lớn, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Cùng với đó, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.
Với ngành gỗ, EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới, mặc dù Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của thị trường này.
Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, các nhà nhập khẩu EU có thể sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế, khi đó, giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU sẽ giảm và hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu hơn.
Theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.
Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU…
Với ngành da giày, khả năng phát triển, mở rộng thị trường của ngành da giày Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều nhờ những hiệu ứng tích cực của EVFTA. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời, tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ EVFTA
Với lĩnh vực xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo sang EU năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018.
Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng mạnh do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Do vậy, tới đây, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU là rất lớn.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD.
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội EVFTA đem lại, theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, doanh nghiệp Việt cần chủ động nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật của EU, ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN; đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á kí kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
10 năm tiếp theo, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Theo báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
EVFTA: Những dấu mốc quan trọng
Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật.
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21 tháng 1 năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 12 tháng 2 năm 2020: Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA.
Ngày 30 tháng 3 năm 2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA.
Ngày 08 tháng 6 năm 2020: tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu (457/457 đại biểu) biểu quyết thông qua.
Minh Kiệt