Ngỡ ngàng rừng săng lẻ xứ Nghệ xứng tầm kỳ quan đẹp nhất Đông Dương Chẻo lạc- món ngon “truyền thống” của người dân xứ Nghệ Thủ phủ hồng trăm tuổi xứ Nghệ mất mùa, được giá |
Về Đại Sơn đi chợ Ú
Chợ Ú không chỉ là một địa điểm mua bán sầm uất mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. |
“Ai về chợ Ú Đại Sơn/Mua con trâu mộng lập nên đại điền”. Câu ca dao ấy đã đi vào lòng người dân xứ Nghệ bao đời nay. Là chợ trâu bò diện lớn nhất cả nước, chợ Ú không chỉ là một địa điểm mua bán sầm uất mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi phiên chợ, hàng nghìn con trâu, bò được bày bán, thu hút đông đảo người dân và thương lái đến giao dịch.
Theo người dân nơi đây, Chợ có khu vực trâu và bò riêng rẽ. Đặc biệt, bất kể nắng hay mưa, chừng 4 giờ sáng, chợ đã nhộn nhịp nhưng gần 10 giờ là chợ vãn. Thời gian đầu, trong chợ Ú có đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ dân sinh, nhưng nay chủ yếu dành cho hoạt động mua bán trâu, bò. Không chỉ người làng, bà con quanh vùng mỗi lúc có nhu cầu cũng tìm về chợ Ú. Tiếng lành đồn xa, các thương lái từ khắp nơi tìm về ngày một đông.
Do nhu cầu lớn nên việc buôn bán trâu, bò không còn phụ thuộc vào phiên chợ nữa mà nhiều điểm thu gom, mua bán, trung chuyển trâu, bò đã diễn ra hàng ngày tại khu vực các xóm gần chợ Ú. Hiện nay, chợ Ú họp một tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch, thu hút thương lái và người mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước, và có cả nhiều thương lái đến từ Trung Quốc, Lào…
Trâu bò được đưa về đây từ khắp các vùng trong cả nước và từ Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan... Bò đưa về từ Đắk Lắk có giá dao động từ 13 đến 15 triệu; bò Nghệ An có giá nhỉnh hơn 1 chút, khoảng từ 16-18 triệu.
Kinh nghiệm chọn trâu
Tiêu chí lựa chọn trâu hàng đầu là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt, xương nhỏ. |
Ngày xưa, việc chọn lựa giống trâu bò của người dân hết sức cẩn thận. Bởi vì trước đây quan điểm, trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp mà theo người dân nó còn gắn với quan niệm phúc hay họa mang tới cho gia đình.
Theo kinh nghiệm của những lái buôn thì khi chọn trâu kỵ nhất những con có: “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa. Có ba thứ ấy cửa nhà ra đi”. Kế đó là “kỵ nhất là “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến, dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam trinh”, còn gọi là con trâu có 3 mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh khi lựa chọn.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây công nghệ phát triển, máy móc thay thế trâu, bò trong nông nghiệp, tiêu chí chọn trâu bò cũng từ đó thay đổi. Theo nhiều người dân buôn bán lâu năm ở chợ, tiêu chí chọn trâu bây giờ là “lối”. “Lối” là con trâu, bò phải có dáng cao, dài, dễ vỗ thịt. Việc mua trâu, bò người mua được nhìn qua bằng mắt hoặc cân nặng. Đặc biệt, rất nhiều lái trâu cho biết, trâu, bò dễ bán nhất khi có những đặc điểm: “Mồm gàu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là giống tạp ăn, dễ nuôi.
Nhiều lái buôn tiết lộ: “Tiêu chí lựa chọn trâu hàng đầu là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt, xương nhỏ. Thường thì những con giống “nghịch” lại là cơ hội kiếm lãi đối với người buôn”.
Theo các chủ cơ sở chuyên thu gom trâu, bò được biết thêm, để thu mua được lượng trâu, bò lớn, hàng ngày “giao dịch” cả hàng ngàn con, tại xã Đại Sơn có đội quân hàng trăm lao động chuyên đi “săn” hàng trâu, bò từ khắp nơi. Những lái buôn phải lặn lội nhiều ngày trong các bản làng vùng cao trong tỉnh và ở Lào, Thái Lan để chọn mua trâu, bò rồi đưa về xã Đại Sơn.
Ngoài việc người dân buôn bán trâu, bò ở chợ Ú, địa bàn xã còn có khoảng 70 chuồng trại của người dân với diện tích lớn được người dân địa phương dựng lên cho các “đầu nậu” thuê để “gom” trâu, bò ở Lào, Thái Lan về và hàng ngày giao dịch mua bán trao đổi luôn chứ không chờ đến phiên chợ Ú. Các cơ sở thu gom này cũng mang lại một khoản thu nhập khá lớn, nếu thuận lợi có những cơ sở thu gom đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/tháng.
Biểu tượng văn hóa, kinh tế của vùng đất Nghệ An
Phiên chợ còn thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. |
Nghề buôn trâu, bò ở xã Đại Sơn, Đô Lương đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Không chỉ các thương lái kiếm được tiền sau mỗi phiên chợ mà có rất nhiều nghề khác ăn theo và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương như nghề xe ôm, nghề đổi tiền, nghề bán rơm, bơm nước tắm cho trâu bò và thậm chí cả việc hót phân trâu bò… Nhiều người phụ nữ, trẻ em chọn nghề "đòi trâu" - dắt trâu bò thuê.
Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chợ Ú còn là nơi giao thoa văn hóa, tạo điểm nhấn đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân. Mỗi phiên chợ là một dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu và duy trì các giá trị truyền thống. Những câu chuyện về con trâu, con bò không chỉ đơn thuần là câu chuyện giao dịch mà còn là những câu chuyện đời, những bài học kinh nghiệm trong chăn nuôi và buôn bán.
Bên cạnh đó, phiên chợ còn thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Với những người lần đầu tiên đến đây, hình ảnh những con trâu, bò chen chúc, những tiếng cười nói rôm rả, cùng nét mộc mạc, chân chất của người dân xứ Nghệ tạo nên một bức tranh sinh động, giàu bản sắc. Nhiều người xem phiên chợ như một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy.
Tuy nhiên, chợ Ú cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh hiện đại hóa. Một số vấn đề như ô nhiễm môi trường, quản lý trật tự và bảo đảm an toàn giao thông vào các ngày chợ họp cần được quan tâm. Chính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp để vừa phát huy giá trị của chợ, vừa đảm bảo phát triển bền vững.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, chợ Ú không chỉ đơn thuần là một khu chợ mà còn là biểu tượng văn hóa, kinh tế của vùng đất Nghệ An. Những giá trị mà chợ Ú mang lại không chỉ dừng lại ở lợi ích vật chất mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Chính từ sự độc đáo và ý nghĩa đó, chợ Ú đã và đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi nhắc đến xứ Nghệ.