Loại cây vốn mọc hoang đinh lăng gai hay đơn châu chấu được sử dụng là loại rau ví như nhân sâm của người nghèo. |
Đinh lăng gai hay còn được gọi là cây cuồng, đơn châu chấu, rau gai, cẩm giàng…tên khoa học là Aralia armata ( Wall.), thuộc họ ngũ gia bì – Araliaceae. Đây là loại cây nhỏ, cao 1-2m, có thân mảnh, nhiều gai. Cành mọc lòa xòa. Lá, kép lông chim, nhẵn hai mặt, nhưng trên gân có những gai nhỏ như sợi tơ. Hoa nhỏ, màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen.
Đinh lăng gai vốn là loại cây dại mọc hoang phổ biến ở rừng trung du và miền núi. Người dân địa phương thường dùng rễ của đinh lăng gai để chữa trị một số bệnh. Bởi rễ đinh lăng gai chứa saponin triterpenic mà phần genin đã được xác định là acid oleanic có tác dụng chống viêm mạnh ở cả giai đoạn cấp tính và mạn tính, nhất là giai đoạn viêm mạn tính. Dùng liều thích hợp dài ngày, cây không gây ảnh hưởng độc hại gì.
Đinh lăng gai như cây bụi mọc hoang trong rừng. |
Thời gian gần đây nhiều người thích thú với những món ăn được chế biến từ nụ đinh lăng gai. Người ta lấy lá non, chồi non đem luộc hay xào ăn tạo ra món vừa khoái khẩu lại rất tốt cho sức khỏe.
Theo Đông y, Đinh lăng gai (Đơn châu chấu) có vị cay, hơi đắng, tính ấm, vỏ rễ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khu phong, trừ thấp. Rễ có tác dụng kháng sinh mạnh, có thể giải độc. Thân, nhất là lõi thân có tác dụng bổ. Lá có tác dụng tiêu độc. Liều thường dùng 10-30g rễ khô sắc nước uống; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Để làm thuốc, người ta thu hái rễ, vỏ rễ, lõi thân, rửa sạch phơi khô. Vỏ rễ, rễ thường dùng chữa các chứng viêm như viêm gan cấp, viêm họng, viêm amygdal, viêm bạch hầu, viêm khớp, viêm thận phù thũng, sưng vú. Lại dùng chữa phong thấp tê bại, thương tích do dao chém, sốt rét cơn và rắn cắn. Lõi thân dùng làm thuốc bổ. Lá dùng đắp mụn nhọt. Nhựa của nõn non dùng chấm làm tan chắp lẹo ở mắt. Quả sao khô, tán bột thổi vào mũi chống ngạt mũi.
Phần rễ của đinh lăng gai dùng làm thuốc nhưng ngọn của nó được chế biến thành món ăn dân dã nhưng rất tốt cho sức khỏe. |
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ, cành, lá, vỏ rễ dùng trị đòn ngã, phong thấp tê đau, đau dạ dày, viêm gan, viêm tuyến tiền liệt, viêm khớp cấp tính, viêm ruột, viêm tuyến vú, mụn nhọt, vô danh thũng độc.
Đồng bào vùng núi thường lấy lá non, chồi non của đinh lăng gai về luộc hay xào ăn như các loại rau khác (do có nhiều gai nên gọi lá Rau gai). Có thể tước bỏ gai trước khi xào, nhưng ở những nõn non thì sau khi xào gai cũng trở nên mềm.
Ngọn rau gai thường được đồng bào vùng cao hái tươi ngoài nương đem về xào với tỏi, sang hơn có thể băm nhỏ xào với trứng gà hoặc với thịt ngựa. Giống như món lá đương quy xào thịt ngựa, loại rau gai được bà con trồng để ăn.
Món rau rừng trong bữa ăn hàng ngày trong đó có đinh lăng gai. |
Nhiều du khách đến Sa Pa hoặc Bắc Hà sau khi được thưởng thức món rau này rất thích thú bởi vị đăng đắng, ngọt ngọt và thơm hắc của rau tạo nên hương vị rất đặc biệt cho món ăn. Người dân miền xuôi khi biết món ăn này đã đặt mua, nhưng vì là rau xanh, lại gặp khó khăn khi vận chuyển đi xa nên ít người mua được.
Đinh lăng gai hay còn gọi rau gai được coi là “thần dược”, ăn vào có giấc ngủ tốt hơn. Cách chế biến chỉ đơn giản thành một món rau xanh đổi bữa trong thực đơn hằng ngày cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe. Một số hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Hà đã và đang trồng giống rau “nhân sâm” này trong vườn nhà bởi lợi ích “kép”, vừa làm rau xanh, vừa có thêm thu nhập khi khách du lịch đặt mua./.