Vùng đánh bắt tôm nhí chỉ cách bờ tầm 200 - 300 m |
Tôm hùm giống có lẽ là loài tôm bé nhất được săn lùng, chúng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, nhiều con non còn nhỏ hơn và toàn thân trong suốt. Chính vì vậy mà bắt được loại tôm này phải mất rất nhiều công sức và kinh nghiệm, chưa kể số lượng tôm hùm giống cũng không có nhiều mà vào mùa chỉ bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 2 năm sau.
Cứ vào dịp này, ngư dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại cùng nhau vươn khơi hành nghề đánh bắt tôm hùm giống. Ông Nguyễn Văn Dũng (phường Xuân Đài, TX. Sông Cầu, Phú Yên) đã ra khơi từ sớm trước rồi thả loại lưới được đan khá dày xuống biển. Lưới sẽ nổi lơ lửng trong nước nhờ phao và được neo lại tránh bị sóng cuốn trôi. Tôm "nhí" bị dòng nước cuốn trôi nên khi gặp lưới sẽ bám vào.
Tôm hùm "nhí" khá nhỏ nhưng có giá từ 50-140 nghìn đồng mỗi con |
“Sản lượng tôm phụ thuộc lớn vào gió Đông Bắc, năm nào gió càng to thì người dân lại càng trúng đậm. Có đêm may mắn thì có thể kiếm được vài triệu, nhưng có đợt lại về tay không, tính trung bình với nghề này mỗi ngày có thể bỏ túi khoảng 500.000 đồng" - vừa kéo lưới, ông Dũng vừa kể chuyện.
Để đánh bắt được tôm hùm giống, mỗi ngư dân ở đây thường chuẩn bị cho mình từ 600 - 1.000m lưới ni lông loại mắc nhỏ và một thuyền thúng có trang bị động cơ. Chi phí cho mỗi chuyến biển đánh bắt tôm hùm giao động từ 100.000 - 150.000 đồng. Nghề bám biển vốn chẳng dễ dàng, lại thêm tôm hùm giống là loài khó bắt nên gần như chỉ có những người đàn ông như ông Dũng mới kiên trì theo đuổi.
“Tuy khó nhọc, nhưng được cái là thu nhập cũng khá cao nên rất nhiều người ở địa phương theo đuổi, như nhà anh Danh hôm trước đi một đêm mà được 600 con tôm hùm giống, bỏ túi hơn 20 triệu đồng. Nhờ cái nghề này mà nhiều người dân ở đây lo cho vợ cho con" - ông Nguyễn Văn Hòa, một ngư dân cùng đi biển với ông Dũng chia sẻ.
Cẩn thận gỡ từng con tôm hùm giống nhỏ xíu khỏi lưới, ông Dũng cho biết phải từ từ kiểm tra thật kỹ tránh bỏ sót hoặc làm chết tôm. Sau khi thu hoạch xong, tôm được các thương lái dùng bơm tiêm xịt nước để kiểm tra sức khỏe của tôm, sau đó phân loại, đa phần là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Số tôm này được nuôi trong nước biển, khoảng vài ngày sẽ có thương lái đến thu mua.
Tôm hùm "nhí" được bán lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm thương phẩm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… là nơi có thời tiết ôn hòa để thả nuôi thành tôm hùm thương phẩm. Hiện tại, các hộ nuôi tôm hùm đang gặp khó khăn do khan hiếm con giống. Trong khi đó nguồn tôm hùm con xuất hiện rất ít, chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu của người nuôi. Nhiều hộ phải đặt mua tôm hùm giống từ sớm nhưng vẫn không đủ.
Chính vì vậy mà tôm hùm giống có giá hơn hẳn, như con tôm bông những năm trước có giá khoảng 130.000 đồng/con, nhưng năm nay lên đến 190.000 đồng/con. Tôm hùm xanh còn có giá nhỉnh hơn, nhưng sản lượng đánh bắt lại không cao bằng. Là thương lái chuyên thu mua tôm hùm giống, chị Trần Thị Cảnh, phường Xuân Đài cho biết: "Ưu điểm của tôm hùm đánh bắt tự nhiên là có sức sống cao hơn và thịt ngon hơn so tôm hùm giống nhập khẩu nên người nuôi tôm rất ưa chuộng, chính vì vậy mà khách hàng ưa chuộng hơn".
Nhiều năm nay tôm hùm giống được giá |
Anh Nguyễn Lia (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) cũng phấn khởi khi bắt được 14 con tôm "nhí". Số tôm này được nuôi trong nước biển, khoảng vài ngày sẽ có thương lái đến thu mua. Tôm hùm "nhí" được bán lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm thương phẩm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo anh Lia, mùa này có hàng trăm người tham gia bắt tôm "nhí". Ngoài những người đi thúng đánh bắt gần bờ còn có những tàu đánh bắt quy mô hơn. Những tàu này có từ 4-5 người, đánh bắt ở vùng biển cách bờ tầm 1-2 km. Đánh bắt tôm "nhí" bằng cách này phải chong đèn dụ tôm, chi phí cao hơn nhưng thu nhập cũng rất cao. Những ngày "trúng", mỗi ngư dân có thể bỏ túi từ 1-1,5 triệu đồng.
"Năm nay tôm ít hơn mọi năm, giá cũng không cao lắm. Mấy năm trước, có thời điểm tôm hùm bông được mua với giá đến 300 nghìn đồng mỗi con. Nghề này "trúng" thì thu nhập cao lắm, còn bình thường cũng kiếm được 10-15 triệu đồng mỗi tháng", anh Lia thông tin.