Quảng Ninh: Hiệu quả từ mô hình nuôi rươi ở ruộng lúa Rươi Tứ Kỳ tăng giá liên tục do khan hiếm Đặc sản "rồng đất" có giá nửa triệu đồng một cân |
Người dân đội đèn đi bắt rươi |
Từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch là đúng mùa rươi, nhiều đêm loài sinh vật này nổi đỏ kín mặt nước tại nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh… Cũng 10 năm trở lại đây, người dân tại đây có nghề “săn rươi" mang về nguồn thu nhập đáng kể.
Theo anh Hồ Vĩnh Thụy, thuộc xóm 1, xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đi ra đồng để vớt rươi, mới thấy công việc này mang lại thu nhập nhưng không hề nhàn hạ. Theo anh Thụy, mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm nhưng thường mỗi tháng có vài ba ngày rươi nổi nhiều. Bởi vậy, chớp thời cơ, các hộ dân "huy động" tổng lực các thành viên ra đồng vớt rươi.
Khoảng 17 giờ chiều, anh Thụy chuẩn bị “đồ nghề" để lên đường đi vớt rươi đỏ. Dự kiến, công việc sẽ kết thúc vào sáng sớm hôm sau hoặc trễ hơn, tuỳ thuộc vào số lượng rươi “tập kết" ngày hôm đó nhiều hay ít. Cùng với anh Thuỵ còn có nhiều người dân ở khu vực lân cận, cánh đồng ven sông Lam nhộn nhịp ánh đèn của họ kể từ khi vào mùa rươi.
Đồ nghề bắt rươi cũng khá đơn giản, người dân thường rào quanh ruộng của mình bằng lưới, đào trẹm để dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng để rươi "mọc" và tháo nước ra khi rươi nổi nhiều. Rươi theo dòng chảy tụ vào hố nước trước cửa trẹm, người dân chỉ cần lấy vợt để xúc, sau đó để vào một cái xô đã chứa nước. Ngoài ra còn có nhiều cách khác để bắt rươi như dùng vợt, dùng rớ…
Anh Thụy chia sẻ: “Rươi thường chỉ nổi lên về đêm, không lên ban ngày. Vì thế người ta chỉ bắt rươi về ban đêm. Để bắt rươi người ta thường rọi đèn, vì thấy ánh đèn rươi lại càng lượn khỏe. Nhóm người đi canh chia nhau đứng ở nhiều vị trí, dùng vợt vớt cho vào xô”.
Cảnh đi bắt rươi đêm của người dân |
Muốn bắt được rươi tươi ngon, chắc khoẻ thì sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, khoảng cuối tháng 4, người dân bắt đầu bón phân hữu cơ xuống ruộng ở gần các khu vực cửa sông, cửa biển để "nuôi" rươi. Trong quá trình canh tác, sản xuất không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để loài vật này sinh sôi, phát triển tốt nhất, người dân phải tạo độ phì, độ xốp cho ruộng. Ngoài ra không phải ruộng nào cũng có rươi mà phải đáp ứng được các điều kiện như ruộng phải có nước lên, nước xuống, gọi là nước đảo chiều.
Loài động vật thân đỏ này cứ thế phát triển, vào mùa khi nước thủy triều dâng lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (người ta gọi là nứt lỗ rươi) để sinh sản nên rươi xuất hiện nhiều nhất. Mỗi con rươi dài 7-10cm, ngang khoảng 0,5cm, béo múp, có trọng lượng 40 con/lạng, màu đỏ tươi, nhúc nhúc thành đàn khiến nhiều người thấy sợ. Thế nhưng rươi lại rất được giá, lên đến 400.000-500.000 đồng/kg tùy thời điểm và kích thước.
Trung bình, mỗi đêm anh Thụy bắt được 10-20kg rươi tươi, thu về khoảng 2-4 triệu đồng. Không cần phải mang đi xa, sau khi bắt sẽ có thương lái đến tận cửa biển để thu mua rươi đỏ, đảm bảo đầu ra ổn định không bao giờ lo ế hàng. Nhiều người dân kiếm tiền triệu nhờ việc bắt rươi mỗi đêm, thậm chí có gia đình còn huy động “lực lượng" lao động trong nhà để bắt rươi vào mỗi ngày rằm, mùng 1 hoặc một số ngày bất kỳ trong tháng, khi mà hàng triệu con rươi ùn ùn từ dưới đất lên.
Theo thống kê toàn xã Xuân Lam có khoảng 5 ha diện tích ruộng rươi lúa kết hợp của hơn 50 hộ dân |
Rươi là loại thực phẩm bổ dưỡng vì chứa nhiều đạm và các loại muối khoáng như canxi, sắt, kẽm... nên rất được ưa chuộng, mua về chế biến thành những món ngon như chả rươi, rươi đúc trứng, rươi xào măng… Ở Hà Nội, chả rươi là đặc sản “hiếm có khó tìm", vừa đắt đỏ lại khó tìm mua, luôn trong tình trạng cháy hàng.
“Tuy sản vật này không cần phải đầu tư công sức, tiền của nhưng bù lại phải có sự khéo léo bởi động vật ngành giun đốt này có vỏ ngoài rất mỏng manh, dễ vỡ khi mạnh tay. Ngoài ra, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả bởi người vớt phải cúi khom lưng trong thời gian dài, nhanh tay vợt những con rươi đang bơi, tránh để nó lao vào lưới chắn hay theo dòng nước trôi ra ngoài mương”, anh Thuỵ chia sẻ thêm.
Chị Yến (47 tuổi, trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết gia đình chị có 6 sào ruộng để trồng lúa nhưng chỉ trồng một vụ còn nữa thì để không và cải tạo cho con rươi sinh sống. "Sau khi gặt lúa, gia đình tôi tập trung bón phân chuồng xuống ruộng để nuôi rươi. Đến khoảng tháng 7 là bắt đầu có rươi rồi, nhưng nhiều nhất là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Nhiều đêm nước dâng, các gia đình trong xóm nhà nào nhà nấy tập trung 3-5 người đem theo vợt, xô để vớt "lộc trời". Nếu may mắn, nhiều gia đình bắt được 2 đến 3 yến mỗi đêm, thu nhập cả chục triệu đồng", chị Yến cho hay.
Con rươi nhìn hình thù bên ngoài có nhiều người cảm thấy đáng sợ nhưng lại là đặc sản vô cùng thơm ngon |
Tại xã Yên Hồ, Quang Vĩnh, Liên Minh, Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ) và xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nguyễn Hữu Cường là một thương lái thường xuyên mua sỉ và bỏ mối rươi tươi đi khắp nơi. Ông cho biết, mỗi ngày cơ sở của gia đình thu mua từ 6 - 8 tạ rươi. Trước đây, cơ sở chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc nhưng hiện chỉ tiêu thụ trong nội địa.
“Rươi được bỏ trong hộp xốp làm lạnh đem bán ra các tỉnh phía Bắc, nhiều nhà hàng trong khu vực họ nhập rươi để phục vụ khách quanh năm. Riêng Hà Nội, Hải Phòng… đổ cho khách nhỏ lẻ cũng đã không đủ hàng cung cấp, rất đắt hàng”, ông Cường chia sẻ.
Hà Tĩnh: Thí điểm nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện Ngàn Trươi |
Quảng Ninh: Hiệu quả từ mô hình nuôi rươi ở ruộng lúa |
Rươi Tứ Kỳ tăng giá liên tục do khan hiếm |