Rươi (Tylorhynchussinensis) là một loại thủy đặc sản của các tỉnh có cửa sông nước lợ ven biển Bắc bộ.
Tại Quảng Ninh, vùng rươi phân bố tự nhiên ven các sông trên địa bàn toàn tỉnh với khoảng 460 ha, trong đó: tại thị xã Đông Triều là 108 ha, Thành phố Uông Bí trên 281 ha và thị xã Quảng Yên trên 70 ha. Mùa sinh sản của rươi tập trung nhiều nhất vào hai vụ: Vụ 1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và vụ 2 vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch. Vào mùa sinh sản, rươi từ những hang dưới đất nổi lên mặt nước theo dòng để ra các vùng cửa sông. Quá trình sinh sản chịu ảnh hưởng của các yếu tố chu kỳ mùa vụ, nhiệt độ môi trường, độ mặn, độ cao của thủy triều...
Hiệu quả mô hình rươi - lúa
Từ khi biết giá trị của rươi, người dân bắt đầu cải tạo đất đai, be đắp bờ để tạo môi trường cho rươi sinh trưởng và tiện cho khai thác. Rươi được người địa phương xem là “rồng đất”, là “lộc trời”, loài sinh vật này chỉ sống những nơi đất và nước thật sự sạch. Ở Việt Nam cũng rất ít nơi có loài sinh vật này sinh sống do vậy giá cả rất cao.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các địa phương có lợi thế phát triển tự phát đắp bờ, cải tạo ao, đầm, cống tại các bãi bồi ven sông để tạo điều kiện cho rươi tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Để tạo sinh cảnh và thu nhập, các hộ đều kết hợp nuôi rươi và cấy lúa. Bằng hình thức đơn giản này người dân cũng tạo được sản phẩm, thu nhập từ rươi, lúa.
Theo người dân nuôi rươi tại Quảng Ninh ngoài giá trị kinh tế ra, Rươi còn có vai trò to lớn trong cải thiện các chất mùn bã hữu cơ và xác động vật chết trong chu trình chuyển hóa vật chất của hệ sinh thái vùng triều, xử lý các chất thải hữu cơ, tạo độ màu mỡ, tơi xốp và làm sạch các vùng đất ngập mặn.
Nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ sẽ cho hiệu quả rươi - lúa cao gấp nhiều lần so với nuôi thông thường
Với hiệu quả mô hình canh tác từ rươi - lúa mang lại, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thực hiện dự án Phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh. Dự án với quy mô thực hiện 90ha, tại 3 địa phương là: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, với 40 hộ dân tham gia.
Theo tính toán sẽ cho năng suất, sản lượng ổn định và giúp vùng khoanh nuôi rươi thương phẩm có thể phát triển bền vững, năng suất rươi bình quân sẽ đạt 300 - 350kg/ha/năm (tăng khoảng 200 - 250kg/ha/năm so với không thả giống), mỗi năm có thể cho thu thập từ 105 - 140 triệu đồng/ha; sản lượng lúa đạt 1,6 - 1,8 tấn/ha/vụ, cho thu nhập 19 - 22 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí có thể cho lãi từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Sau 2 năm triển khai dự án sẽ cho thu nhập từ 12 - 17 tỷ đồng, lãi từ 7 - 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cho biết: Chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình nuôi rươi tiên tiến, hoàn thiện quy trình nuôi rươi, kết hợp canh tác lúa hữu cơ, đảm bảo phù hợp với tập quán canh tác và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống nhân tạo, cũng như nuôi thương phẩm. Tiếp tục tuyên truyền đến bà con nông dân đang canh tác tại các vùng hiện đang có rươi phân bố tự nhiên, có điều kiện về khả năng đầu tư, điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm của con rươi. Nâng tầm thành sản phẩm OCOP cho 2 sản phẩm lúa hữu cơ và rươi Quảng Ninh.
Có thể thấy rằng, việc phát triển nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại các địa phương có điều kiện phù hợp, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp sản phẩm rươi có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm gạo hữu cơ; tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Góp phần bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi rươi đặc hữu của tỉnh Quảng Ninh, hướng tới phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Mai Quỳnh