Dâu tây là giống cây ôn đới được du nhập vào nước ta khoảng hơn 10 năm trở lại đây, được trồng phổ biến ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số huyện của tỉnh Sơn La. Đây là loại quả có giá khá đắt đỏ và được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ bởi vẻ ngoài bắt mắt mà còn do chứa hàm lượng cao các vitamin, chất chống oxy hóa và các thành phần dinh dưỡng quan trọng, tốt cho sức khỏe.
Trong mắt của nhiều người dâu tây là loại trái cây xa xỉ, đắt đỏ thường được bán trong những cửa hàng hoa quả nhập khẩu với mức giá từ 200-450.000 đồng/kg (tùy loại). Tuy nhiên thời gian gần đây, "chợ dâu tây" trên mạng xã hội cũng sôi động không kém. Gõ từ khóa "dâu tây giá rẻ" trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng chục hội nhóm buôn bán sôi nổi, "mức giá hấp dẫn" chỉ 20.000 đồng/hộp 520g -530g. Theo khảo khát giá chỉ dao động từ 25.000-50.000 đồng/kg (tùy loại).
Đặc điểm chung của các loại dâu được bày bán tràn lan là đều được đựng trong hộp nhựa trong suốt, không bao bì, nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Người bán hàng thì tự tin chào mời dâu tây nhập từ Mộc Châu, Sơn La.
![]() |
Thành phần dinh dưỡng của dâu tây
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), dâu tây là một loại trái cây rất ngon và bổ dưỡng nếu được mua ở những địa chỉ uy tín. Trong Đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, có công dụng bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc.
Dâu tây chủ yếu chứa nước, chiếm đến 91% và carbohydrate khoảng 7,7%. Hàm lượng chất béo và protein trong dâu tây rất thấp, chỉ lần lượt là 0,3% và 0,7%. Cụ thể, trong 100 gram dâu tây, có các chỉ số dinh dưỡng như sau: Năng lượng: 32 calo; Nước: 91%; Protein: 0,7g; Carbohydrate: 7,7g; Đường: 4,9g; Chất xơ: 2g; Chất béo: 0,3g.
Bởi vì, dâu tây tươi có hàm lượng nước cao, dẫn đến tổng lượng carbohydrate rất thấp, dưới 8g mỗi 100g. Trong số đó, lượng carbohydrate tiêu hóa chỉ khoảng 6g, chủ yếu đến từ các loại đường đơn giản như glucose, fructose và sucrose, cùng với một lượng chất xơ đáng kể. Ngoài ra, chỉ số đường huyết (GI) của dâu tây là 40, tương đối thấp. Chất xơ trong dâu tây chiếm khoảng 26% tổng lượng carbohydrate, với mỗi 100g dâu tây cung cấp 2g chất xơ, bao gồm cả loại hòa tan và không hòa tan.
Dâu tây có tác dụng gì với sức khỏe?
![]() |
Do có chứa nhiều vitamin C nên dâu tây có tác dụng tăng cường miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. |
Dựa vào các thông tin dinh dưỡng trên, chúng ta có thể thấy loại trái cây này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng của quả dâu tây như:
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa các loại quả mọng, trong đó có dâu tây, đối với sức khỏe hệ tim mạch, cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ quả mọng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn nhiều.
Nhờ các chất chống oxy hóa, dâu tây có tác dụng cải thiện cholesterol HDL (cholesterol tốt), huyết áp và chức năng tiểu cầu trong máu; giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), các dấu hiệu viêm và các hạt LDL bị oxy hóa. Các vitamin và khoáng chất có trong quả dâu tây cũng có thể: Cải thiện tình trạng chống oxy hóa máu; Giảm căng thẳng oxy hóa; Giảm viêm; Cải thiện chức năng mạch máu; Cải thiện lipid máu; Giảm quá trình oxy hóa có hại;... Tất cả những yếu tố trên đều góp phần đẩy lùi các bệnh về tim mạch.
Điều chỉnh lượng đường trong máu: Khi carb được tiêu hóa, cơ thể sẽ phân hủy chúng thành đường đơn và giải phóng chúng vào máu. Sau đó, cơ thể sẽ tiết ra insulin để các tế bào nhận đường từ máu đi nuôi dưỡng cơ thể. Sự mất cân bằng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu sẽ gây ra nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Trong khi đó, dâu tây làm chậm quá trình tiêu hóa glucose và giảm mức tăng đột biến của cả glucose và insulin sau một bữa ăn giàu carb. Vì chứa nhiều nước và chất xơ, nó sẽ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, từ đó ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2.
Ngăn ngừa ung thư: Ung thư là một căn bệnh đặc trưng bởi sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường. Sự hình thành và tiến triển của tế bào ung thư thường có liên quan đến căng thẳng oxy hóa và viêm mãn tính. Nghiên cứu cho thấy dâu tây có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư thông qua khả năng chống lại căng thẳng oxy hóa và viêm. Dâu tây đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự hình thành khối u ở động vật bị ung thư miệng và tế bào ung thư gan ở người. Tác dụng bảo vệ của dâu tây được thúc đẩy bởi axit ellagic và ellagitannin, những hợp chất đã được chứng minh là ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Tăng cường miễn dịch: Do có chứa nhiều vitamin C nên dâu tây có tác dụng tăng cường miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Khoảng 5 quả dâu tây cỡ vừa đã đáp ứng đủ nhu cầu vitamin C trong một ngày.
Tốt cho xương khớp: Trong dâu tây có chứa các chất dinh dưỡng như mangan, folate, kali, magiê và các loại vitamin, đều đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe xương khớp. Tác dụng của dâu tây với trẻ nhỏ không chỉ giúp tăng cường miễn dịch mà còn tốt cho sự phát triển của xương khớp. Đối với người lớn, dâu tây cũng giúp ngăn ngừa các bệnh về xương khớp khi bước vào giai đoạn lão hóa.
Chống lão hóa: Biotin là hợp chất được tìm thấy trong dâu tây có tác dụng giúp tóc và móng tay chắc khỏe. Dâu tây cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như axit ellagic hay procyanidins, giúp duy trì các sợi đàn hồi và ngăn ngừa chảy xệ làn da, chống lại các thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do và ngăn ngừa nếp nhăn, từ đó đem lại làn da khỏe mạnh và sáng đẹp.
Hỗ trợ giảm cân: Dâu tây chứa hàm lượng calo rất thấp, nhiều nước và nhiều chất xơ, do đó nó có tác dụng giữ cho bạn no lâu, hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể, từ đó hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, vitamin C có trong dâu tây có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp cơ thể đốt cháy calo nhanh hơn.
Cách chọn và dùng dâu tây an toàn
![]() |
Với các loại dâu bán rong, bán hè phố rất khó để xác định ngày thu hoạch, đóng gói vì thế mọi người nên cân nhắc khi sử dụng. |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, rất khó để xác nhận dâu tây có tồn dư hóa chất hay không nếu chỉ nhìn vào mắt thường. Để khẳng định được chính xác nhất chỉ có cách mang đi xét nghiệm. Theo ông Thịnh, hiện Việt Nam cũng có thể trồng được dâu tây vì thế mọi người nên dùng hàng trong nước hơn là hàng nhập khẩu vì giá thành rẻ, ít nguy cơ có chất bảo quản hơn.
Thông thường, để dâu tây không bị hỏng và giúp diệt được các vi sinh vật làm quả thối, các thương lái sẽ dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Abamectin để bảo quản. Loại này dù được đăng ký phòng trừ sâu hại trên cây trồng nhưng không được phép sử dụng trên rau quả sau khi đã thu hoạch.
PGS Thịnh đặc biệt cảnh báo, dâu tây là loại quả vỏ mềm, ăn cả vỏ nên khi dùng để bảo quản thì chúng gần như hấp thụ toàn bộ hóa chất vào trong quả. Do vậy, nếu ăn quả có lượng tồn dư lớn có thể gây ngộ độc, còn ăn số lượng ít, chất độc tích tụ và tàn phá cơ thể dần dần. Đối với cách lựa chọn dâu tây, do là loại quả dễ hỏng nên khi bảo quản trong điều kiện lạnh phù hợp (5 đến 7°C) sau khi thu hái thì dâu tây cũng chỉ để được tối đa 10 ngày. Do vậy, dấu hiệu nhận biết rõ nhất đó là nhìn màu sắc của quả dâu tây.
Theo đó, nếu dâu tây không sử dụng loại thuốc bảo quản nào sẽ không thể để được lâu, chỉ để được 2-3 ngày ở nhiệt độ 15°C là quả sẽ bị thâm, héo. Còn nếu bán ngoài đường nắng hanh thì chỉ một ngày dâu đã héo cuống và thâm. Trong khi dâu tây nếu có chất bảo quản thì để 7-10 ngày ở nhiệt độ bình thường sẽ vẫn còn tươi, bất chấp cả điều kiện thời tiết hanh nắng.
Vì thế, ông Thịnh khuyên mọi người nên đến cửa hàng uy tín để mua và khi mua cần xem thời gian đóng gói và hạn sử dụng. Nếu thấy dâu tây bày bán ở kệ, nhiệt độ bảo quản khoảng 15°C, mà quá 3-5 này kể từ ngày đóng gói nhưng quả dâu vẫn tươi, cuống vẫn xanh thì có thể là đã được dùng hóa chất bảo quản.
Với các loại dâu bán rong, bán hè phố rất khó để xác định ngày thu hoạch, đóng gói vì thế mọi người nên cân nhắc khi sử dụng. Sau khi mua dâu tây về, nên sử dụng ngay, tránh bảo quản lâu ngày, kể cả để trong tủ lạnh vì loại quả này nếu không có chất bảo quản rất dễ bị vi sinh vật tấn công gây thối rữa, hoặc bị thâm héo dưới tác động của nhiệt. Trước khi ăn, nên ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa lại dưới vòi nước để đảm bảo an toàn.
Lưu ý khi ăn dâu tây
Dù dâu tây có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu ăn uống sai cách, bạn có thể làm ảnh hưởng tới cơ thể của mình. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn dâu tây:
Không nên ăn dâu tây ngay trước và sau bữa ăn: Dâu tây chứa nhiều nước và chất xơ, do đó có thể ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Nên ăn dâu tây 1h trước bữa ăn và 2h sau bữa ăn.
Không nên ăn quá nhiều dâu tây mỗi ngày: Những hạt nhỏ của dâu tây có thể gây ra tình trạng kích ứng tại niêm mạc dạ dày, do đó những người mắc bệnh dạ dày hoặc có tiền sử bệnh này không nên ăn quá nhiều dâu tây mỗi ngày.
Có thể dị ứng: Dâu tây có chứa một loại protein có thể gây ra các triệu chứng ở những người nhạy cảm với phấn hoa hoặc táo. Các triệu chứng phổ biến bao gồm ngứa ran trong miệng, phát ban, đau đầu và sưng môi, mặt, lưỡi hoặc cổ họng, trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới hô hấp. Protein gây dị ứng được cho là có liên quan đến anthocyanins - chất tạo nên màu đỏ của dâu tây.