Vì sao cậu bé tiêm 4 mũi vaccine vẫn mắc bệnh viêm não Nhật Bản? Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều ca viêm não tự miễn hiếm gặp Nỗi “khổ” vì viêm mũi dị ứng |
Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa thu, đông và xuân. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh là 2,3/100.000 dân.
![]() |
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. |
Khoảng 50% số ca mắc viêm màng não mô cầu ở dạng viêm màng não, 38% bị nhiễm khuẩn huyết, và 9% có biểu hiện viêm phổi do vi khuẩn. Vi khuẩn này thường cư trú trên niêm mạc hầu họng và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các hạt chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc người lành mang trùng. Tỷ lệ tử vong do bệnh khoảng 10 - 15%, và khoảng 20% bệnh nhân có thể gặp di chứng lâu dài như khuyết tật.
Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính: A, B, C và D. Trong đó, nhóm A phổ biến nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có các nhóm huyết thanh khác như W-135, X, Y và Z, dù ít độc lực hơn nhưng vẫn có khả năng gây bệnh nặng.
Viêm màng não mô cầu có thể điều trị được. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt 85 - 95%.
Triệu chứng của viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm màng não do não mô cầu thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng dữ dội như: sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, cứng cổ, ho, đau họng, ớn lạnh, rét run, co giật, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Ở trẻ nhỏ, triệu chứng có thể biểu hiện qua sự thay đổi thói quen sinh hoạt như: ngủ li bì, kén ăn, bỏ bú, chán chơi, phát ban… Đối với trẻ sơ sinh, ngoài các triệu chứng trên, còn có thể xuất hiện căng phồng thóp, khó cử động, khóc thét với âm thanh the thé hoặc rên rỉ.
![]() |
Đặc biệt, nếu trẻ có các nốt ban màu xanh tím hoặc đỏ thẫm trên da, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc nặng. |
Đặc biệt, nếu trẻ có các nốt ban màu xanh tím hoặc đỏ thẫm trên da, đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc nặng, có nguy cơ biến chứng thành nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, thậm chí tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm màng não mô cầu ở trẻ em dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, dẫn đến chẩn đoán muộn và tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Tại những khu vực có dịch lưu hành, khoảng 5 - 10% người nhiễm vi khuẩn não mô cầu không có triệu chứng lâm sàng, nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh trong cộng đồng.
Đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
Thanh thiếu niên và thanh niên
Người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá, doanh trại quân đội
Người suy dinh dưỡng kéo dài do rối loạn tiêu hóa hoặc suy giảm hấp thụ đường ruột
Người du lịch đến vùng có dịch như khu vực châu Phi
Nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi khuẩn não mô cầu
Người có tiếp xúc với vi khuẩn trong ổ dịch
Ngoài ra, một số yếu tố và thói quen sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt ở thanh thiếu niên, chẳng hạn như:
Sống trong môi trường đông đúc
Tiếp xúc với học sinh từ vùng có dịch
Rối loạn giấc ngủ
Hút thuốc lá, kể cả hút thụ động
Thường xuyên tham gia các hoạt động nơi đông người
Cách phòng bệnh viêm màng não mô cầu
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu, cần thực hiện các biện pháp sau:
Nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có dịch lưu hành, giúp người dân nhận biết sớm bệnh, thực hiện cách ly bệnh nhân và phối hợp với cơ quan y tế để phòng dịch.
![]() |
Giữ gìn vệ sinh môi trường sống. |
Giữ gìn vệ sinh môi trường sống: Nhà cửa, lớp học, nhà trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
Giám sát tại các ổ dịch cũ, theo dõi các trường hợp sốt, viêm hầu họng để phát hiện sớm bệnh. Nếu có điều kiện, xét nghiệm bệnh nhân cũ và người xung quanh nhằm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
Điều trị triệt để cho bệnh nhân tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng để tránh lây lan.
Tiêm phòng – Biện pháp quan trọng nhất
Việt Nam hiện có vắc xin phòng ngừa 5 nhóm huyết thanh não mô cầu phổ biến và nguy hiểm nhất: A, B, C, Y, W-135, bao gồm:
Bexsero (Ý): Phòng não mô cầu nhóm B
VA-Mengoc BC (Cuba): Phòng nhóm B và C
Menactra (Mỹ): Phòng nhóm A, C, Y, W-135
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần tiêm phòng, vì người lành mang trùng có thể góp phần lây lan bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, những người có bệnh nền cần tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.
Lưu ý: Vắc xin viêm màng não mô cầu không có khả năng phòng ngừa chéo, nên dù đã tiêm phòng nhóm B, vẫn cần tiêm bổ sung vắc xin phòng nhóm A, C, Y, W-135.
Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
![]() |
![]() |
![]() |