Cá chuồn
Cá chuồn bay (tên khoa học: Exocoetidae) là một trong những loài cá biển đặc biệt, sinh sống chủ yếu ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Với bộ vây cứng cáp và khỏe mạnh, chúng có khả năng bay lượn trên mặt nước với chiều dài đường bay lên đến 50m. Đây cũng là lợi thế giúp chúng thoát khỏi sự săn đuổi của các kẻ săn mồi trên đại dương.
Để bay lên khỏi mặt nước, cá chuồn bay di chuyển đuôi lên xuống với tần suất lên đến 70 lần/giây và sau đó mở rộng bộ vây ngực. Khi muốn đáp xuống nước, chúng chỉ cần gấp lại vây ngực và hạ mình xuống biển. Điều này chứng tỏ khả năng thích nghi và điều khiển của loài cá này trong môi trường sống đặc biệt trên đại dương.
Cá chuồn thường xuất hiện vào những lúc trời êm biển lặng. Mùa cá chuồn về, người đi biển thấy chúng bay đầy trên mặt nước. Những tưởng xa xôi đắt đỏ, nhưng không, cá chuồn giá cả phải chăng, không khó để thưởng thức.
Đối với người vùng biển, cá chuồn bay là món ăn dân dã mà chân phương, thân thương lẫn quen thuộc, đậm đà mùi vị quê hương, dù đi đâu cũng nhớ hương vị mặn mòi, chất chứa tình yêu xứ sở trong ấy.
Cá chuồn màu xanh ánh vàng hay xám bạc, đầu nhỏ, thân và đuôi dài là loại cá chuồn chất lượng nhất. Tới mùa sinh sản, cá đẻ trứng từng chùm màu vàng nhạt. Chúng cũng trở thành đặc sản khoái khẩu trên bàn nhậu của nhiều người.
Đặt chân về đất miền Trung, theo sát dải đất đầy nắng gió ấy, thực khách sẽ bắt gặp la liệt những cá chuồn bay. Bởi với ngư dân nơi đây, cá chuồn bay là món ăn đảm bảo cho những ngày mưa gió và khi con lũ đổ về.
Ghé các chợ hải sản khắp miền Trung, bà con ngư dân hầu như quanh năm bán cá chuồn tươi hoặc ướp muối. Không chỉ được thưởng thức luôn tại chỗ, thực khách cũng tiện mua về làm quà.
Nếu hỏi đâu là vựa cá chuồn lớn và ngon nhất cả nước, người ngư dân giàu kinh nghiệm chẳng ngần ngại chia sẻ rằng xứ Quảng là “cái nôi” để cá chuồn đi vào nền ẩm thực và tôn tạo nên phong vị văn hóa nước nhà.
Bờ biển dài, rộng của Quảng Ngãi nhiều vùng dồi dào cá chuồn như Lý Sơn, Sơn Tịnh hay Bình Sơn, Sa Huỳnh. Bởi vậy, muốn ăn cá chuồn tươi ngon, ngọt nước, đậm đà nhất phải tìm về Quảng Ngãi.
Mỗi khi thuyền trở về từ khơi xa, từng vựa cá chuồn xanh lấp lánh, tươi rói với vảy bạc óng ánh. Nhìn thấy là chỉ muốn cho ngay lên than hồng xì xèo và hưởng lấy mùi thơm lừng của món cá nướng!
Cá nác hoa
Cá nác hoa (tên khoa học: Boleophthalmus pectinirostris) là một loài cá nước lợ phổ biến tại vùng ven biển, bãi triều cửa sông và lạch. Cá nác hoa thuộc họ Oxudercinae và được đánh giá là có chất lượng thịt thơm ngon.
Cá nác hoa là một loài cá sống dọc theo các bãi lầy ở cửa sông, thường sống trong hang hốc trong bãi lầy. Chúng có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh và có thể sống được cả trên cạn và dưới nước nhờ khả năng hô hấp đặc biệt. Loài cá này cũng thường đào hang trú ẩn ở các lùm cây, kẹt rễ um tùm và hang sâu với nhiều ngóc ngách.
Thời điểm cá nác hoa bắt đầu sinh sản là từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Trong mùa sinh sản, cá đực và cá cái thường ghép đôi với nhau, tìm kiếm các vùng cây ngập nước để sinh sản. Các vùng cây ngập nước là nơi mà cá nác hoa thường tìm để xây tổ và đẻ trứng.
Cá nác hoa rất nhanh nhẹn trong việc trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù và thường tranh giành thức ăn. Cá khi còn nhỏ sẽ ăn động và thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, khi lớn sẽ chuyển sang ăn các loài giáp xác cỡ nhỏ. Khi gặp nguy hiểm, cá đực sẽ bảo vệ hang của nó bằng cách di chuyển, há ngoác miệng và giương vây để đe dọa địch thủ. Đây là một loài cá ăn tạp, nhưng nghiêng về động vật, và sử dụng tảo và phiêu sinh động vật nhỏ làm thức ăn.
Để bắt được loài cá này, ngư dân xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) đã “chế tạo” những chiếc bẫy kẹp, cắt chai, lọ nhựa để dụ cá tới, những người phụ nữ thì đi đào hang để bắt cá |
Ông Đặng Văn Quân (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) chia sẻ: "Tôi đi săn con cá nác hoa gần 35 năm, đây là loài cá vừa biết bơi, lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn,...nên rất khó thu phục".
"Chính vì thế, chúng tôi đã "chế" loại bẫy làm từ thân cây tre vót nhỏ, uốn cong, cao khoảng 40cm, phía dưới dùng dây cước đúc, màu trắng thắt nút. Khi con cá nác hoa bơi qua đụng vào sợi dây sẽ bị bẫy kẹp chúng gần phần đầu, cá vẫn còn sống nên bán luôn được giá", ông Quân nói.
Ông Đặng Văn Quân có 200 cái cái bẫy kẹp con cá nác hoa, mỗi ngày ông đi vào rừng ngập mặn thuộc địa phận xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) để đặt bẫy khoảng 4-5 tiếng là về.
Bình quân, 1 tháng ông Quân đi đặt bẫy khoảng 20 ngày, với cách bắt này ông Quân không cần bỏ nhiều công sức nhưng vẫn thu hoạch khoảng 3kg cá nác, giá bán hiện nay hơn 200.000 đồng/kg".