Bể nuôi cá tầm của anh Phạm Ngọc Thanh được xây dựng quy mô, bài bản |
Nhờ sự kiên trì và chịu khó, anh Phạm Ngọc Thanh sinh năm 1989, ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá Tầm trong nước lạnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Thái, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thể dục Thể thao, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh đã không thể tiếp tục theo nghề giáo.
Năm 2015, anh về quê lập nghiệp, trong một lần cùng anh cùng dân làng đi tắm suối, nhận thấy nước suối Sủa, xã Sơn Điện mát lạnh quanh năm với nhiệt độ là 23 độ rất ổn định, sẵn có kinh nghiệm từng giúp người họ hàng nuôi cá tầm ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, anh Thanh đã nảy ra ý tưởng mang giống cá này về đây nuôi để nâng cao thu nhập.
Năm 2019, anh Thanh vay vốn người thân để thực hiện mô hình nuôi cá tầm trong nước lạnh, anh cải tạo hệ thống bể nước, làm mương dẫn nước suối về. Khi mới xây dựng mô hình anh Thanh gặp rất nhiều khó khăn, vì khu vực anh chọn để nuôi cá là khu ruộng Hôn Hoong ở sâu trong lòng núi. Để thực hiện được ý tưởng, anh Thanh phải gánh từng viên gạch, bao xi măng, bao cát trên con đường núi đầy khó nhọc.
Bên cạnh đó, khi nuôi cá Tầm rất khó khăn bởi đây là giống cá vô cùng khó tính, để mang được giống cá về cũng là một hành trình khó khăn, cần phải bảo đảm phương tiện và kỹ thuật mới có thể bảo đảm an toàn.
Vì vậy, anh Thành đã nhập và đưa về bể nuôi với khoảng 1.000 con cá tầm giống do chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc nên cá bị chết nhiều khiến anh ngày đêm lo lắng trắng tay.
Lúc này, anh vẫn kiên trì, tìm sách để đọc, học hỏi những người có kinh nghiệm để chăm sóc và cứu đàn cá. Anh đã thiết kế, sửa lại ao nuôi sao cho hệ thống nước tuần hoàn, cung cấp oxy liên tục cho cá, nước từ suối chảy vào bể rồi lại từ bể chảy ra ngoài luôn đảm bảo sạch để cá không mắc bệnh. Đồng thời, anh cũng duy trì nguồn nước nhiệt độ thích hợp từ 18 - 23 độ C, bởi nếu nhiệt độ thấp hơn thì cá sẽ tích mỡ, chậm lớn, còn cao hơn thì cá không phát triển được.
Ngoài ra, anh Thanh cũng chú trọng đến nguồn thức ăn, khi cá còn nhỏ anh Thanh phải cho ăn cách nhau 2 tiếng, cá hoạt động về đêm nên phải thức canh để cho cá ăn, khi cá lớn thì tần suất ăn giảm xuống. Nhờ đó, đàn cá không bị chết nữa mà sinh trưởng rất nhiều, thậm chí còn lớn nhanh hơn dự định và cho hiệu quả kinh tế cao.
Để nối tiếp sự thành công của lứa cá đầu tiên, anh Thanh quyết định xây thêm bể và nhập thêm con giống, đến lứa nuôi thứ hai thì tỷ lệ sống gần như 100%, tốc độ tăng trưởng nhanh, cá cho cân nặng khoảng 4 kg/con.Với sự nhanh nhạy và mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, anh Thanh đã thành công với mô hình nuôi cá tầm trong nước lạnh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Hiện trang trại của anh đang nuôi 10 tấn cá với giá xuất bán từ 300.000-350.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng tạo việc làm cho 18 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Người dân xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) khai thác nguồn nước lạnh nuôi cá tầm |
Cũng chọn nuôi cá nước lạnh để phát triển kinh tế gia đình, anh Sùng A Phông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã có thu nhập cao, ổn định.
Anh Phông tâm sự: Trước đây, tôi thấy người dân ở bản Chu Va (huyện Tam Đường) tận dụng nguồn nước lạnh nuôi cá hồi, cá tầm cho thu nhập cao. Khi đi tham quan thực tế, về so sánh với nguồn nước ở địa phương cũng gần như thế, nước rất mát (tầm 18 độ C), thế là tôi nảy sinh ý tưởng thử nuôi cá tầm.
Đầu năm 2020, tôi vay ngân hàng 150 triệu đồng, xây bể có diện tích khoảng 100m2; đầu tư đường ống dẫn nước từ khe về bể; rồi tôi đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi cá hồi của người dân, hợp tác xã (HTX) ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai), bản Chu Va (huyện Tam Đường) và nhập giống cá tầm ở đó về nuôi.
Hàng ngày, tôi cho ăn đúng bữa, đúng liều lượng và loại cám; thường xuyên dọn bể; thay nước liên tục, tạo môi trường sạch cho cá phát triển. Sau hơn 1 năm chăm sóc cá, từ đầu năm tới nay, tôi bán được hơn 200 triệu đồng.
Hiện tại trong bể còn hơn 1 tạ cá sắp được xuất bán. Thấy lợi nhuận cá tầm mang lại cao, thị trường đầu ra cũng ổn định, tôi đang xây tiếp 2 bể, mỗi bể khoảng 100m2 để nuôi cá hồi; tiếp tục nuôi lứa cá tầm mới.
Hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có 3 sản phẩm cá nước lạnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX Dương Yến, đó là: Ruốc cá hồi Dương Yến, cá hồi phi lê Dương Yến, cá tầm cắt khúc Dương Yến. Từ khi có nhãn hiệu, các sản phẩm của HTX được tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, kênh thông tin truyền thông, hội chợ, hội nghị. Nhờ đó, nhiều người tìm đến và đặt mua hơn. Hiện tại, vừa nuôi cá hồi, cá tầm với diện tích 500m2 (sản lượng bình quân mỗi năm trên 20 tấn) kết hợp với kinh doanh nhà hàng; bán các mặt hàng sản phẩm OCOP, doanh thu của đơn vị đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Đưa cá tầm lên núi, thanh niên người Dao mở hướng làm giàu cho cả bản |
Ông thợ mộc nuôi cá tầm trên núi lứa đầu đã thu lãi trên 400 triệu đồng |
Tuyệt chiêu chống rét cho cá đặc sản trên đỉnh Ô Quý Hồ |