Sơn La là xứ sở ve sầu |
Sơn La được mệnh danh là xứ sở ve sầu bởi ở các cánh đồng hay khu rừng rậm đều có nhiều ve sầu sống tập trung và kêu inh ỏi vào mùa hè. Cũng tại đây, nhộng của loài côn trùng này được xem như một món đặc sản quý hiếm. Cứ đầu hè, người dân tại xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại rủ nhau vào rừng bắt nhộng ve sầu.
Trước đây, nhộng ve sầu chỉ là món ăn chơi, món nhắm kèm rượu cần, rượu mơ hạ thổ,… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng nhộng ve sầu tăng, các quán ăn ẩm thực cũng tìm mua ngày càng nhiều. Vì vậy, rất đông người đi bắt ve sầu về bán kiếm lời.
Thường thì công việc săn nhộng ve sầu bắt đầu từ lúc 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Thời điểm này ve sầu bắt đầu lột xác. Loài ve sầu có 3 lần lột xác trong đêm: 7-8 giờ, 9-10 giờ và 1-2 giờ sáng. Ấu trùng ve sầu sống ở dưới đất, hút nhựa rễ cây sống. Đến mùa hè, vào ban đêm, ấu trùng sẽ chui lên mặt đất, bò lên thân cây cách mặt đất từ 0,5 – 1m rồi dừng lại, tiến hành lột xác trở thành nhộng ve. Để bắt được nhộng ve, tức là loại ngon nhất, người dân phải canh đúng thời gian trên đi ra vườn bắt nhanh. Nếu ve lột xác và có cánh sẽ bay lên tán lá và rất khó bắt.
Khi bắt, người dân chiếu đèn vào những gốc cây nhiều nhựa (cây thông, cà phê, cây ăn trái,…) sắc xanh của nhộng ve sầu sẽ phản chiếu nổi bật và rất dễ thấy. Vì vậy chỉ cần tay không và một chiếc túi là người dân có thể bắt được ve sầu một cách dễ dàng. Loài côn trùng này vô hại, không cắn người nên rất an toàn khi dùng tay không bắt.
Chuyên nghiệp hơn thì có thể dùng nhựa đào, nhựa mít,… bôi lên cành cây lay nhỏ dùng để dính vào cánh của nhộng ve sầu. Chỉ cần đưa cây lay lướt ngang qua các thân cây sần sùi là đã thu hoạch được một bầy nhộng ve sầu.
Thợ săn có thể bắt được 3-5kg nhộng ve sầu/đêm |
Vào mùa cao điểm, người thợ có thể bắt được 3-5kg nhộng ve sầu/đêm. Đều đặn đi săn nhộng ve sầu, người nông dân có thể có thu nhập ổn định, thậm chí là làm giàu.
Thường ngày nhộng ve sầu bán ở chợ cóc có giá khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg. Nhưng nhiều tháng trở lại đây nhộng ve sầu được thương lái tìm tới tận nhà mua với giá cao hơn hẳn. Các thương lái sẽ vận chuyển ve sầu về thành phố, bán với giá 300.000 – 400.000 đồng/kg. Một số nơi ở Hà Nội còn bán với giá hơn 500.000 đồng/kg.
Như vậy, mặc dù chỉ là nghề săn bắt mùa vụ, kéo dài khoảng 2 tháng nhưng cũng giúp người dân kiếm được thêm 15 – 20 triệu, có năm nhiều còn kiếm được tới 30 triệu. Tiểu thương cho biết nhộng ve sầu mỗi lần vào mùa đều rất hút khách mua, đặc biệt là dân nhậu.
Ve sầu làm được rất nhiều món, từ rang lá chanh đến tẩm bột chiên xù, thậm chí có thể làm món cháo ve sầu. Tuy nhiên, trước khi nấu phải nhặt sạch sẽ rồi ngâm ve qua nước muối, sau đó trần qua nước sôi để đảm bảo sạch.
Muốn cầu kỳ hơn thì bỏ chân và rút ruột nhộng ve, sau đó nhét những hạt đậu phộng đã được rang giòn vào bụng, cho vào chảo đã có chút dầu nóng, đảo nhanh tay.
Khi thấy ve đã vàng đều, bóng láng thì cho thêm chút nước mắm, bột ngọt, nhắc xuống bếp và trút ra đĩa. Ve sầu chiên giòn vừa mềm, có vị bùi, thơm vừa giòn tan trong miệng.
Ve sầu chiên giòn là đặc sản mùa hè |
Ve sầu được coi là một trong những món đồ nhậu dân dã, được nhiều cánh mày râu ưa thích, nhất là khi món ăn này xào sả ớt giòn tan mà được uống cùng với một chút rượu, bia thì quả là sự kết hợp hoàn hảo.
Thế nên, món đặc sản ve sầu trở nên nổi tiếng ở khắp nơi được nhiều thực khách lựa chọn trong các bữa nhậu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, có một loài nấm tên khoa học Gyrommitrin thường ký sinh trên thân ve sầu có độc tố rất cao, cấu trúc của nó tương tự cấu trúc của một loài nấm độc. Độc tố của nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, dù được nấu kỹ và lâu. Nếu bắt phải ổ nhộng ve sầu chưa lột xác và trên cơ thể chúng có sẵn loài nấm ký sinh này thì khi ăn phải, hậu quả sẽ khó lường.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân tự trang bị kiến thức cho bản thân và gia đình, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, thận trọng khi chế biến nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn. Tốt nhất là không sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn, tránh xảy ra ngộ độc. Hiện có nhiều loại nhộng như nhộng bọ cạp, đuông dừa, dế, ve... có thể dùng làm thức ăn và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rủi ro ngộ độc rất lớn.