Để làm được mô hình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ, gia đình chị Triệu Thị Loan buộc phải tuân thủ các quy trình ngặt nghèo. |
Chị Triệu Thị Loan - anh Nguyễn Duy Quang, đôi vợ chồng 9X dân gốc Lâm Đồng vốn lập nghiệp xa quê. Chị Loan yêu nông nghiệp, theo chân trời mới đến Israel học chuyên ngành sinh học. Còn anh Quang, gắn bó với nghề xây dựng, mải miết theo những công trình cao tầng đi khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Nhưng tình yêu với đất quê, với mùi hương tinh dầu cao nguyên đã đưa cả hai về lại Lâm Hà, góp phần xây dựng thương hiệu The Seed Garden.
Vốn yêu lĩnh vực nông nghiệp, sau đi du học chuyên nông nghiệp tại Israel về, Triệu Thị Loan quyết tâm khởi nghiệp trên đất vườn. Tìm hiểu bạn bè, xu hướng, Loan nhận thấy tinh dầu là một phần không thể thiếu với cuộc sống con người, nhất là khi xã hội ngày càng phát triển. Và Loan quyết định tìm tòi, gầy dựng lên những mầm cây chuyên phục vụ chiết xuất tinh dầu tại thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà, Lâm Đồng).
Bắt đầu từ năm 2017, Triệu Thị Loan gieo những mầm sống đầu tiên. Cô chọn hương thảo, hoa hồng là cây trồng chủ lực cho việc làm tinh dầu. Tràm trà, sả chanh, sả java, bạc hà, hương nhu, những mùi hương truyền thống cũng được Loan chọn trồng trên đất vườn nhà. Hợp thổ nhưỡng, hợp khí hậu, những loại cây cho mùi hương đã bén rễ, vươn cành. Loan chia sẻ: “Đất cao nguyên có hai mùa mưa nắng và chênh lệch nhiệt độ rõ rệt trong ngày, ngày nắng đêm lạnh, nhiệt độ chênh lệch khiến cây hương liệu mọc chậm nhưng bù lại cây nuôi dưỡng hương liệu rất tốt, phần trăm tinh dầu rất cao. Đây chính là lợi thế để Seed Garden chọn gắn bó với nghề chiết xuất hương liệu”.
Chị Triệu Thị Loan đang thu hoạch hoa hồng. |
Thời gian đầu khởi nghiệp rất khó khăn vì Seed Garden đi theo con đường riêng, trồng cây hương liệu theo hướng hữu cơ, chiết xuất tinh dầu cao cấp nên giá có phần cao so với thị trường. Triệu Thị Loan mày mò làm giống, nhân rộng diện tích, nghiên cứu thử nghiệm để chọn ra giống phù hợp nhất.
Chị Loan chia sẻ: “Mọi người nhìn vườn hồng rực rỡ, cho hoa đẹp như thế này nhưng không ai biết Loan đã phải mất rất nhiều thời gian, chọn hàng chục giống hồng, trồng thử, chiết xuất thử mới tìm được giống hồng phù hợp. Đây cũng là một giống hồng truyền thống của Đà Lạt, dễ sống, ít bệnh tật, cánh dày, bông thơm và hàm lượng tinh dầu ổn định. Có được giống rồi, Loan mới nhân rộng ra diện tích lớn để có đủ hoa sản xuất tinh dầu”.
Hiện nay, mô hình trồng hoa hồng và các loài thảo dược dùng làm nguyên liệu chế biến trà, tinh dầu được gia đình chị Triệu Thị Loan thực hiện theo quy trình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ.
Để làm được mô hình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ, gia đình chị Loan buộc phải tuân thủ nhiều biện pháp. Trong đó bao gồm vùng cách ly, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường đất, nước tưới… Chị Loan cho biết, hiện nay, để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển, chị sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh và tuyệt đối không sử dụng phân bón hoá học. Đối với biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, gia đình sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nhiều trường hợp phải trừ sâu hại bằng biện pháp thủ công.
Các sản phẩm tinh dầu và trà đang được gia đình chị Triệu Thị Loan sản xuất để cung ứng theo hợp đồng của khách hàng. |
Sau 4 năm kiên trì với các quy trình ngặt nghèo của nông nghiệp hữu cơ, vườn hoa và cây thảo dược của gia đình chị Loan đã có được sự cân bằng hệ sinh thái, cây khoẻ mạnh, phát triển ổn định. Cây trên vườn cứng cáp, có sức kháng sâu bệnh hại tốt hơn trước nên việc chăm sóc, phát triển trở nên thuận lợi.
Khi có nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn, gia đình chị Loan bắt tay vào quy trình tinh chế sản phẩm. Hiện nay, chủ vườn cho ra đời các sản phẩm như trà hoa hồng hữu cơ, tinh dầu hoa hồng, bột hoa hồng, trà cỏ ngọt, tinh dầu sả chanh, hương thảo…
Về quy trình chế biến sản phẩm trà hoa hồng hữu cơ, chị Loan chia sẻ: Để mẻ trà đạt chất lượng, chị phải tổ chức hái hoa hồng vào 10 giờ sáng, sau đó chuyển qua quy trình chọn lọc, làm sạch và đưa vào hệ thống sấy lạnh. Quy trình sấy lạnh phải được thực hiện trong thời gian 24 giờ, sau đó sản phẩm sẽ được chuyển qua khâu đóng gói, đưa ra thị trường. Hiện nay, tuy sản lượng chưa nhiều nhưng các sản phẩm trà hoa hồng được gia đình chị Loan bán cho đối tác với giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/kg.
Theo nữ chủ vườn, các sản phẩm như trà, tinh dầu cần đảm bảo về chất lượng để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Cách làm này cũng giúp người làm vườn, các khâu tinh chế ở nhà máy tránh được những yếu tố độc hại, đặc biệt là quy trình sản xuất vẫn đảm bảo được sự xanh sạch của môi trường./.