Những vườn trầu tiến vua được người dân chăm sóc kỹ lưỡng để phục vụ nhu cầu trong những ngày tết. |
Cận tết lá trầu tiến vua cháy hàng
Hàng trăm năm trước, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã được biết đến là vùng trồng trầu không nổi tiếng. Theo các cụ già trong làng, trầu không ở đây mang hương vị đặc trưng khác biệt, lá trầu dày, cay, giòn, thơm ngon nức tiếng.
Theo truyền thuyết của dòng tộc họ Phạm Công, trước đây trầu của tổ tiên trồng được sử dụng để dâng lên vua, nên được mọi người gọi là trầu của vua hay còn gọi là trầu “tiến vua”. Từ những câu chuyện được lưu truyền về loại trầu này, vào mỗi dịp Tết mọi người thường săn mua cho kỳ được để làm đồ lễ ngày Tết. Cũng vì thế, những ngày cận Tết làng Văn Sơn lúc nào cũng nhộn nhịp người bán, kẻ mua.
Thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ xưa đã nổi tiếng với đặc sản trầu không tiến vua. |
Trầu tiến vua ở xã Đỉnh Bàn cho thu hoạch quanh năm, nhưng từ tháng 10 âm lịch đến tháng Chạp là thời điểm làng trầu nhộn nhịp nhất. Những ngày này, trên mọi nẻo đường làng, ngõ xóm ở xã Đỉnh Bàn đi đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tất bật hái lá, thương lái nhộn nhịp vào ra vận chuyển trầu đi tiêu thụ khắp mọi nơi.
Năm nay, gia đình anh Ngô Viết Dũng có 300 gốc trầu cho thu hoạch vào dịp Tết. Theo dự tính, nếu bán hết sẽ mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 20 triệu đồng.
“Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, có hàng chục thương lái ở khắp các tỉnh miền Trung tìm đến Văn Sơn mua trầu. Dịp này, mỗi hộ trồng trầu có thể bỏ túi từ 20 - 25 triệu đồng”, anh nói.
Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng. |
Chị Lê Thị Hoa (một thương lái ở TP Hà Tĩnh) cho biết, trầu tiến vua ở xã Đỉnh Bàn được khách hàng rất ưa chuộng. Hàng năm cứ vào tháng 10 âm lịch, chị đã đến tận các vườn trầu để đặt trước, bảo đảm hàng phục vụ trong dịp Tết.
“Tết đến nhu cầu trầu tăng cao, đặc biệt là loại trầu tiến vua nhập về từng nào cũng bán hết. Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, tôi phải thu mua 2 vườn trầu tại thôn Vân Sơn”, chị Hoa nói.
Ông Phạm Công Thi (thôn Văn Sơn) cho biết, những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ trầu tiến vua tăng lên. Vì thế, người dân ở thôn Văn Sơn và vùng phụ cận đã mở rộng diện tích, đồng thời chủ động trồng xen kẽ giữa lớp trầu lâu năm lẫn trầu tơ để tăng sản lượng lá.
“Gia đình tôi trồng trầu tiến vua khoảng 20 năm nay, hiện nay có hơn 300 gốc. Những ngày bình thường tôi bán được từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, còn ngày cận Tết như thế này thì trung bình mỗi ngày tôi thu về 2 triệu đồng/ngày. So với các loại cây nông nghiệp khác, theo tôi trầu là loại cây cho nguồn thu tốt nhất với bà con nơi đây”, ông Thi phấn khởi nói.
Theo kinh nghiệm của người dân trồng trầu, để có những lá trầu đảm bảo chất lượng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. |
Trầu tiến Vua dễ trồng nhưng cũng phải có bí quyết riêng
Hiện nay toàn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 100 hộ dân trồng trầu “tiến vua”, phần lớn là người dòng họ Phạm Công. Bằng những bí quyết riêng, được lưu truyền, trầu “tiến vua” được các con, cháu dòng họ Phạm Công gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Nhờ trồng trầu không mà người dân nơi đây có thu nhập khá, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học. Cây trầu không đang được người dân, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, mở rộng quy mô và diện tích.
Người dân làng Văn Sơn thường ủ lá cây khô dưới gốc trầu để tạo độ ẩm, giữ nước cho cây. |
So với các loại trầu không khác, trầu không “tiến vua” ở thôn Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì đặc điểm riêng này, trầu không tiến vua luôn được thượng khách săn đón, nhất là những ngày lễ, tết.
Là thành viên trong gia đình có truyền thống trồng trầu nhiều thế hệ, bà Nguyễn Thị Phú (thôn Văn Sơn) cho biết, cây “trầu tiến vua” thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước. Khi thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt.
“Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3 - 5 lá. Điều đặc biệt, để có lá trầu dày, khi ăn có vị cay nồng, thơm thì chỉ có đất ở thôn Văn Sơn”, bà Phú chia sẻ.
Giàn trầu không chỉ được làm bằng tre, cây gỗ chứ không sử dụng cột bê tông như những loài cây leo khác. Mỗi giàn trầu không cao từ 2-4m. |
Toàn xã Đỉnh Bàn hiện có trên 100 hộ dân trồng trầu với diện tích hơn 2,5ha. Tuy nhiên, thôn Văn Sơn vẫn là nơi được trồng nhiều nhất. Tại đây dòng họ Phạm Công đặc biệt vinh dự được Bộ Công Thương phong tặng “Bảng vàng gia tộc”, công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.
Ông Phạm Công Nhứ (70 tuổi) cho biết, cây trầu đã nuôi sống người dân bao đời nay nên trải qua bao thế hệ, những người đi trước luôn động viên con cháu, người dân trong vùng phát triển để vừa nâng cao thu nhập, vừa bảo lưu giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của cha ông.
Khi hái lá trầu người dân không sử dụng dao hay kéo mà trực tiếp dùng móng tay bấm vào cuống lá. Cuống lá được giữ lại dài khoảng 2-3 cm. |
“Tôi từng tham gia quân ngũ, sau đó tha phương tìm kiếm nhiều nghề nhưng rồi quyết định về quê gắn bó với nghề trồng trầu hơn 40 năm nay. Hiện tại, vợ chồng tôi trồng hơn 400 gốc trầu, cũng nhờ những gốc trầu này mà vợ chồng tôi nuôi được 5 người con ăn học”, ông Nhứ cho hay.
Cây trầu không vốn quen thuộc với người dân Việt Nam. Lá trầu không là thứ xuất hiện thường xuyên trong những sự kiện của đời người trên ban thờ tổ tiên ngày lễ tết, giỗ chạp. Đặc biệt, là trầu tiến Vua ở thôn Văn Sơn còn gắn với truyền thống khoa bảng của dòng họ nên lại càng có ý nghĩa. Người dân nơi đây vẫn gìn giữ lưu truyền nghề của ông cha và giờ đây cuộc sống ngày càng khấm khá nhờ trồng loại cây sản vật tiến vua này./.