Khoai mỡ là cây dây leo |
Trên thế giới, khoai mỡ được xem là một trong những loại cây lương thực quan trọng. Khoai mỡ có thể dùng trong nhiều món ăn quen thuộc như luộc, chiên, hay nấu canh, hấp bánh và mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tại Việt Nam, khoai mỡ còn có tên khác là khoai tím, khoai vạc, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ đỏ, củ tía, củ đầu, khoai tía, khoai ngà, khoai long, khoai bướu, khoai trút, khoai ngọt. Củ mỡ có nhiều giống như củ mỡ bò, củ mỡ đỏ, củ mỡ năm, khoai mỡ tía, củ mỡ tím, củ mỡ trắng, mỡ trắng nhẵn…
Khoai mỡ là cây trồng truyền thống, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nhiễm phèn, canh tác khó khăn của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước (Tiền Giang) thông tin, các xã trồng nhiều khoai mỡ, gồm: Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Phú Mỹ…với tổng diện tích khoảng 550 ha.
Khoai mỡ tím |
Năm 2022, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên trà khoai mỡ sớm của địa phương phát triển tốt, năng suất khoai mỡ đạt khá và giá khoai mỡ bán cũng tăng cao, nông dân địa phương rất phấn khởi.
Ông Phạm Văn Tài, cư ngụ tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, khoai mỡ đang được thương lái thu mua giá từ 22.000 - 24.000 đồng/kg tùy chất lượng.
Giá khoai mỡ năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm rồi khoảng 8.000 đồng/kg. Với mức năng suất khoai mỡ từ 10 - 12 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi gần 200 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Tài trồng được 1ha khoai mỡ, thu hoạch được hơn 10 tấn, bán với giá khoảng 23.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Nhờ khoai mỡ, gia đình ông đã có thu nhập khá và đón Tết sung túc.
Nông dân Thạnh Hóa thu hoạch khoai mỡ |
Từ chỗ là cây trồng phụ, khoai mỡ đã trở thành cây trồng chủ lực, cây đặc sản của địa phương gắn liền với tên gọi khoai mỡ “Bến Kè” của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Ông Trương Văn Siếm, thị trấn Thạnh Hóa phấn khởi cho biết, gia đình ông trồng khoai mỡ với diện tích 4 ha. Hơn 10 năm về trước, khoai mỡ đã giúp người nông dân có cuộc sống ổn định nhờ giá tương đối cao. Song những năm gần đây, khoai mỡ liên tục bị mất mùa, mất giá khiến nhiều hộ dân điêu đứng.
Tuy nhiên, vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi nên khoai mỡ có năng suất cao. Hiện, khoai mỡ đạt năng suất 15 tấn/ha và giá bán 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, bón phân, ông Siếm thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha.
Còn bà Nguyễn Thị Bé, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa trồng được 3 ha khoai mỡ. Nhờ chăm sóc chu đáo, năng suất khoai đạt 20 tấn/ha. Trúng lớn vụ này, bà Bé vô cùng phấn khởi, lãi hơn 500 triệu đồng và đang chuẩn bị cho mùa vụ tới với diện tích tăng hơn.
Cây khoai mỡ đã thể hiện ưu thế về đặc tính thích nghi trên đất phèn. Khoai mỡ được trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau (âm lịch) với những đặc trưng nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng (tím than, tím bông lau và trắng)...
Khoai mỡ tốt cho những người bị bệnh lý về tim mạch thường có hàm lượng homocysteine cao, gây tổn hại cho thành mạch máu. Vitamin B6 chứa trong khoai mỡ có thể giúp cơ thể phá vỡ homocysteine, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, trong khoai mỡ còn dồi dào nguồn mangan giúp hỗ trợ cho sự chuyển hóa carbohydrate, điều tiết sản xuất năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, khoai mỡ cũng giúp kiểm soát được đường huyết trong máu và trọng lượng cơ thể nhờ chứa nhiều chất xơ và cacbohydrat phức hợp. Điều này có nghĩa là những loại đường tự nhiên chứa trong khoai mỡ khi vào cơ thể sẽ tiêu hóa ở tốc độ chậm hơn và giúp cảm thấy no lâu hơn. Hàm lượng chất xơ cao không chỉ có lợi cho quá trình tiêu hóa, mà còn có tác dụng giảm cân, giúp phân bố đều trọng lượng nên đây cũng là thực phẩm rất thích hợp cho những người muốn giảm béo. Khoai mỡ cũng rất tốt cho phụ nữ tuổi mãn kinh vì giúp giảm những triệu chứng khó chịu của phụ nữ trong giai đoạn này. Khoai mỡ cũng là thực phẩm lợi tiểu nên có tác dụng chống viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm đường tiểu, bàng quang, giảm đau bụng, đau thần kinh, chống căng cơ, chuột rút. |