Khoai mỡ là loại củ “đa năng” cực tốt cho tim mạch và huyết áp |
Khoai mỡ là loại khoai thuộc họ dây leo với nhiều củ có tên khoa học là Dioscorea alata. Loại khoai này thường được trồng nhiều ở Châu Phi, Ấn Độ và Malaysia. Tại Việt Nam, khoai mỡ thường được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: khoai tím, khoai vạc, củ mỡ, khoai ngọt,...
Về kích thước, khoai mỡ thường có hình dáng bên ngoài to hơn khoai lang. Khoai có màu nâu đen và lớp vỏ bên ngoài thường xù xì, nhiều rễ. Bên trong ruột khoai mỡ có màu tím đặc trưng. Một số loại sẽ có màu tím nhạt cho đến màu trắng được gọi là khoai mỡ trắng.
Khoai mỡ là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất cũng như chất chống oxi hóa. Tất cả khiến chúng trở thành một loại thực phẩm lành mạnh để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
Theo Đông y, khoai mỡ có vị ngọt, tính bình, không độc; có tác dụng bổ tỳ, phế, sáp tinh khí, tiêu thũng, làm giảm đau.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Khoai mỡ, với hàm lượng chất xơ dồi dào, hoạt động như một "lá chắn" bảo vệ tim mạch. Chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol xấu, ngăn chặn sự hình thành mảng bám trong động mạch, từ đó giảm thiểu nguy cơ xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa như anthocyanin và vitamin C trong khoai mỡ giúp bảo vệ thành mạch máu khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, giúp mạch máu luôn khỏe mạnh và đàn hồi.
Khoai mỡ giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ổn định huyết áp nên cũng có thể giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng về tim mạch. Việc thường xuyên bổ sung khoai mỡ vào chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và duy trì một trái tim khỏe mạnh.
Giúp ổn định huyết áp và đường huyết
Khoai mỡ là một nguồn cung cấp kali dồi dào. Kali là một khoáng chất giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể. Khi lượng natri quá cao, giống như một "vị khách không mời", nó sẽ làm tăng huyết áp. Kali sẽ giúp thận bài tiết natri ra khỏi cơ thể, giúp huyết áp ổn định trở lại.
Khoai mỡ không chỉ giàu kali, giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể mà còn chứa rất ít natri tự nhiên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị cao huyết áp, vì họ cần hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong khoai mỡ sẽ giúp bảo vệ các mạch máu khỏi tổn thương, góp phần duy trì huyết áp ổn định.
Món canh khoai mỡ |
Khoai mỡ có chỉ số đường huyết thấp nên sẽ được tiêu hóa và hấp thụ chậm hơn. Điều này giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu sau khi ăn, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Khoai mỡ chứa một lượng lớn chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan trong khoai mỡ tạo thành một lớp gel trong dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường. Ngoài ra, các hợp chất trong khoai mỡ có thể giúp cải thiện độ nhạy cảm của tế bào với insulin, giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn trong việc đưa đường từ máu vào tế bào.
Chống viêm, giảm đau
Các chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin C và anthocyanin trong khoai mỡ có khả năng trung hòa các gốc tự do, giảm đau và bảo vệ tế bào. Bên cạnh đó, khoai mỡ còn hỗ trợ sức khỏe đường ruột, giúp giảm viêm nhiễm mãn tính, một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiện nay.
Hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho đường ruột
Chất xơ trong khoai mỡ, cả hòa tan và không hòa tan, đều đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. . Khoai mỡ cũng chứa một lượng tinh bột kháng đáng kể, giúp tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa.
Các chất chống oxy hóa trong khoai mỡ như anthocyanin và vitamin C, giúp bảo vệ niêm mạc đường ruột khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và các bệnh về đường ruột.
Tốt cho sức khỏe xương, răng, mắt, da và tóc
Xương và răng: được bổ sung các khoáng chất như canxi và mangan, khoai mỡ là một giải pháp tự nhiên để ngăn ngừa các vấn đề về xương như loãng xương, khớp cứng, đau khớp và bảo vệ sự phát triển của răng.
Mắt: khoai mỡ có chứa vitamin A và beta-carotene giúp ngăn ngừa sự thoái hóa tế bào có thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn.
Làn da: các chất dinh dưỡng được tìm thấy trong khoai mỡ như beta carotene, vitamin B6, vitamin C, vitamin E và chất chống oxi hóa rất tốt cho làn da, giúp tái tạo tế bào da tối ưu để da khỏe mạnh, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa. Ngoài ra, chúng còn có khả năng chống nắng tự nhiên, bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ UV.
Tóc: khoai mỡ còn giúp tóc khỏe mạnh cũng như ngăn ngừa rụng tóc đáng kể.
Cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ
Khoai mỡ chứa nhiều vitamin C, hữu ích trong việc cải thiện tâm trạng. Vitamin C kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, có tác động lớn đến tâm trạng và thậm chí còn có một số lợi ích cho não bộ.
Ngoài ra, do sự hiện diện của vitamin B6 giúp não sản xuất các hormone hỗ trợ thúc đẩy tâm trạng và điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn ngủ ngon vào ban đêm và cảm thấy tỉnh táo vào sáng hôm sau.
Những người không nên ăn khoai mỡ
Có thể thấy rằng khoai mỡ không chỉ một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến trong nhiều món ăn đa dạng mà chúng còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, những người có vấn đề sau phải tránh hoàn toàn khoai mỡ: Những người có vấn đề về thận, vì khoai mỡ chứa quá nhiều protein và khoáng chất; Phụ nữ đang cho con bú; Có các vấn đề như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung hoặc ung thư vú; Những người bị thiếu protein S, nên tránh khoai mỡ vì có thể gây ra cục máu đông.