Ông Bríu Tư (bên phải) chia sẻ kỹ thuật trồng nghệ đen cho các hộ dân địa phương. Ảnh: Đăng Nguyên |
Với tác dụng chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là xóa vết thâm tín ngoài da, từ lâu đồng bào Cơ Tu xem nghệ đen là cây “thần dược” nên trồng rất nhiều trong vườn rẫy. Vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình trồng nghệ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, khuyến khích người dân trồng mở rộng.
Cây “thần dược” nghệ đen trồng theo mô hình mới
Thành công sau một thời gian trồng, chăm sóc nghệ đen theo mô hình mới, ông Bríu Tư (thôn Bhơ Hôồng, Sông Kôn) bắt đầu tham gia các đợt chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng.
Ông Bríu Tư nói, trên đất nà (khu vực gần nguồn nước), những cây nghệ của gia đình đã cao gần bằng vai người, thân cây mọc thẳng, cho ra những củ nghệ tươi lớn hơn đầu ngón cái. Đây là thời điểm ông bắt đầu thu hoạch nghệ, góp thêm vào nguồn thu nhập của gia đình.
Để có được vườn nghệ đen này, Bríu Tư bỏ công sức làm sạch cỏ, rồi xới cho đất tơi xốp giúp cây non phát triển tốt.
“Cây nghệ đen miễn dịch với nhiều loại sâu bệnh nên suốt quá trình chăm sóc, mình không cần sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Khi nghệ không mọc lá non nữa, lúc đó lá già sẽ bắt đầu khô ở mép, ngả màu vàng cháy, vỏ và đầu củ có màu vàng sẫm, da bóng… Lúc này, nghệ đến mùa thu hoạch” - ông Tư chia sẻ.
Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, mô hình trồng nghệ đen được triển khai vào đầu năm 2022 nhằm giúp người dân có thêm sinh kế, tạo vùng nguyên liệu nghệ đen bản địa có giá trị kinh tế cao.
Ban đầu, mô hình triển khai thí điểm tại thôn Bhơ Hôồng, với diện tích hơn 2ha, hỗ trợ 67 hộ tham gia trồng, chăm sóc. Sau thời gian triển khai, cây nghệ đen phát triển tốt nên địa phương phối hợp với đơn vị cung cấp giống hỗ trợ nhân rộng cho 48 hộ tại các thôn Pho và Bh’lô Bền.
“Để giúp người dân chăm sóc nghệ đen, chúng tôi phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, thu hút sự tham gia của cộng đồng” - ông Trung nói.
Đồng bào Cơ Tu tại Quảng Nam đào củ nghệ nhằm kiếm thêm thu nhập. |
Năm 2022, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND xã Sông Kôn phối hợp với đơn vị tài trợ mở rộng diện tích trồng cây nghệ đen hơn 4ha. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp nên chi phí đầu tư trồng nghệ đen rất thấp; trong khi đó giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm thực hiện mô hình.
Nâng tầm thương hiệu nghệ đen mở hướng phát triển bền vững
“Cùng với phát triển cây nghệ đen, chúng tôi thành lập HTX Nông lâm nghiệp Bhơ Hôồng, hỗ trợ sản xuất giống, thu mua và chế biến nghệ đen một cách hiệu quả. Đến nay, HTX có 25 thành viên, nhiều sản phẩm mới được chế biến như nghệ đen thái lát, tinh bột nghệ đen, viên tinh bột trộn với mật ong..., đáp ứng nhu cầu của người sử dụng”, ông Trung cho biết thêm.
Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, mô hình nghệ đen trên địa bàn xã chủ yếu được trồng tại khu vực vườn nà, nơi gần nguồn nước. Vì thế, quá trình sinh trưởng của cây rất nhanh.
Mỗi ký nghệ tươi được bán tại chỗ với giá 30 nghìn đồng; so với một số loại nông sản khác, nghệ đen cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Đây là động lực để địa phương duy trì vườn trồng, khuyến khích người dân mở rộng diện tích theo từng hộ, nhóm hộ liên kết.
Theo ông Nguyễn Tài (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang), mặc dù mô hình trồng nghệ đen chỉ mới được triển khai nhưng hiệu quả đem lại rất khả quan, có triển vọng để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Không chỉ dễ chăm sóc, việc triển khai mô hình kinh tế này rất thuận lợi bởi chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha, trong khi sản lượng thu về mỗi năm khoảng 3 tấn/ha. Vì thế, trong định hướng của địa phương, mô hình trồng nghệ đen sẽ tạo ra chuỗi giá trị sản xuất mới, mở ra cơ hội gia tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Sản phẩm tinh bột nghệ và viên nén nghệ đen mật ong được sản xuất tại HTX Nông lâm nghiệp Bhơ Hôồng. Ảnh: Đăng Nguyên. |
Để tăng khả năng mở rộng thị trường, gần đây, HTX Nông lâm nghiệp Bhơ Hôồng đã đầu tư máy móc sản xuất tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong; đồng thời thiết kế bao bì, nhãn mác nhằm xúc tiến thương mại, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường lớn.
Theo UBND huyện Đông Giang, quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, nghệ đen Sông Kôn được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao. Địa phương đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn.
Cây ‘thần dược’ nghệ đen vốn được bà con dân tộc Cơ Tu trồng phổ biến trong vườn nhà nhưng chỉ rải rác, phục vụ nhu cầu trong gia đình. Nhận thấy lợi ích từ cây dược liệu quý này, chính quyền địa phương đã hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật để mở rộng quy mô trồng nghệ đen. Cách làm bài bản từ trồng, chăm sóc, chế biến và xây dựng thương hiệu để các sản phẩm nghệ đen chinh phục thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương./.